Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/12), hồi phục sau phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 của chỉ số S&P 500 vào hôm thứ Tư và nối lại xu hướng tăng cuối năm. Giá dầu thô đi xuống sau khi có tin một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định rút khỏi “câu lạc bộ”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 322,35 điểm, tương đương tăng 0,87%, chốt ở mức 37.404,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,26%, đạt 14.963,87 điểm.
S&P 500 tăng 1,03%, đạt 4.746,75 điểm. Thành quả tăng này đưa thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ lên mức chỉ còn cách 1% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại và cách 1,5% so với mức kỷ lục nội phiên.
Sự tăng điểm diễn ra trên diện rộng, với hơn 450 cổ phiếu thành viên và 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong trạng thái “xanh”. Trong đó, cổ phiếu hãng chip Micron tăng mạnh nhất, với mức tăng 8,6%, sau khi công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý và dự báo về kết quả kinh doanh quý tiếp theo đều cao hơn dự báo. Loạt cổ phiếu chip khác cũng đồng loạt tăng theo, như Intel và AMD tăng tương ứng 2,9% và 3,3%.
Thị trường đã giảm điểm vào hôm thứ Tư khi nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng kéo dài gần đây. Trong phiên đó, Dow Jones và Nasdaq ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 và kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, còn S&P 500 giảm mạnh nhất kể từ tháng 9.
“Thị trường đã chuyển từ tăng sang giảm khá nhanh. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một sự điều chỉnh kỹ thuật sau một thời gian tăng rất dài”, chiến lược gia trưởng Rhys Williams của công ty quản lý tài sản Spouting Rock Asset Management nhận định.
Nếu tính từ mức đáy đóng cửa ghi nhận hồi tháng 10 cho tới hết phiên ngày thứ Năm, cả Dow Jones và S&P 500 đều đã tăng hơn 15%; Nasdaq tăng hơn 18%. Động lực tăng cho thị trường thời gian gần đây là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024, với đợt giảm đầu tiên có thể diễn ra ngay vào tháng 3 và tổng số lần giảm lãi suất trong cả năm tới có thể lên đến 6 lần.
Thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 71,3% Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Giới đầu tư đang chờ Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Fed ưa chuộng - để căn chỉnh kỳ vọng về chính sách của Fed. Theo dự kiến, chỉ số này sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,31 USD/thùng, chốt ở mức 79,39 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,33 USD/thùng, còn 73,89 USD/thùng.
Trong phiên, có thời điểm giá cả hai loại dầu đều giảm hơn 1 USD/thùng sau khi Angola tuyên bố rời khỏi OPEC. Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Angola, ông Diamantio Azevedo, nói rằng địa vị thành viên OPEC không phục vụ lợi ích của nước này. Những thành gần đây, OPEC - với Saudi Arabia giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức - đã kêu gọi các nước thành viên tăng cường cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
“Có vẻ như OPEC đang bị thua trong cuộc chiến kéo giá dầu lên”, chuyên gia Matt Smith của công ty theo dõi vận tải biển Kpler nhận xét, nhấn mạnh rằng các nước sản xuất dầu ngoài OPEC như Mỹ đang đẩy mạnh việc khai thác dầu để lấp đầy khoảng trống nguồn cung do OPEC hạn chế sản lượng.
Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với mức 28 triệu thùng/ngày của toàn nhóm OPEC. Việc Angola rời nhóm đặt ra những câu hỏi về sự gắn kết và định hướng của OPEC, dù nước này chỉ là một trong những quốc gia thành viên OPEC nhỏ nhất và việc nước này rời đi có thể gây ảnh hưởng không đáng kể đối với nguồn cung dầu toàn cầu - theo ông Smith.
Trong một cuộc họp của OPEC và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, vào tháng 11, Angola đã phản đối việc mình bị giảm hạn ngạch sản lượng trong năm 2024.
Một báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, phá vỡ kỷ lục cũ 13,2 triệu thùng/ngày.
“Mỹ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu ở vùng Permian Basin và trên toàn quốc. Rủi ro tăng giá xăng dầu ở Mỹ vì thế được hạn chế, còn Nga và Saudi Arabia đang rơi vào thế bất lợi”, nhà kinh tế Tim Snyder của công ty Matador Economics nhận xét.