Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (9/5), với chỉ số Dow Jones đạt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, khi số liệu thất nghiệp làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá dầu thô cũng tăng, lên mức cao nhất trong 1 tuần trở lại đây, nhờ lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 331,37 điểm, tương đương tăng 0,85%, đạt 39.387,76 điểm. Chuỗi 7 phiên tăng này của chỉ số là dài nhất kể từ chuỗi 9 phiên tăng thiết lập vào tháng 12 năm ngoái.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,51%, đạt 5.214,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,27%, đạt 16.346,26 điểm.
Theo báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này trong tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8. Đây là một số liệu xấu, nhưng lại làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại một thời điểm nào đó trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn lạc quan khi một phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ nhận được lực cầu mạnh, dẫn tới lợi suất giảm. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 3 điểm cơ bản, còn khoảng 4,45%; lợi suất của kỳ hạn 2 năm cũng giảm 3 điểm cơ bản, còn khoảng 4,81%.
“Một chút suy yếu trong các số liệu kinh tế sẽ mở ra cánh cửa để Fed tiếp tục khuynh hướng mềm mỏng. Chừng nào lợi suất trái phiếu không phải là một mối đe doạ, đó sẽ là ‘đèn xanh’ để nhà đầu tư mua cổ phiếu. Cả Fed và thị trường trái phiếu đều đã bật đèn xanh cho sự ham thích rủi ro”, chiến lược gia toàn cầu Phillip Colmar của công ty MRB Partners nhận định với hãng tin CNBC.
Trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng 20.000 người so với tuần trước đó, lên mức 231.000 người.
“Tuần này là một tuần khá yên ắng của thị trường, nhưng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã trở nên xấu hơn. Ở góc độ vĩ mô, thị trường rõ ràng vẫn ở trong chế độ ‘tin xấu là tin tốt’”, chiến lược gia trưởng Matt Miskin của công ty quản lý đầu tư John Hancock Investment Management nhận định với hãng tin Reuters. “Nhà đầu tư sẽ phải chờ xem liệu sự chuyển biến dữ liệu này có phải là khởi đầu của một xu hướng không”.
Trên thị trường năng lượng, lạc quan về lãi suất ở Mỹ hỗ trợ giá dầu trong phiên này. Ngoài ra, giá dầu còn tăng do tín hiệu cho thấy nhu cầu của Trung Quốc có thể tăng trong thời gian tới. Mỹ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,3 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở mức 83,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, đạt 79,26 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 30/4.
Số liệu xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày thứ Năm cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 4 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng trưởng trở lại, dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của nhu cầu tại thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực vực dậy nền kinh tế suy yếu.
“Giá dầu đang giao dịch trong vùng hẹp. Không có nhiều thông tin tác động giá dầu trong những ngày này. Tin tức địa chính trị từ Trung Đông còn thiếu rõ ràng”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nói với Reuters.
Xe tăng và máy bay chiến đấu của Israel vẫn tấn công các khu vực của thành phố Rafah ở miền Nam dải Gaza, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ dừng việc cung cấp vũ khí cho Israel nếu lực lượng của nước này tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Rafah.
“Nếu sự cảnh báo này của ông Biden khiến Israel phải ký một thoả thuận ngừng bắn với Hamas, giá dầu WTI có thể để mất thêm 10 USD/thùng phần bù rủi ro địa chính trị”, giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho, ông Bob Yawger, phát biểu.
“Tuy nhiên, nếu Iran vì lập trường của Mỹ mà trở nên cứng rắn hơn sau khi trở nên kín đáo hơn trong mấy tuần vừa rồi, giá dầu có thể lại tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng”, ông Yawger nói.