Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/11), đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp, dưới sức ép từ việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trước đó tăng mạnh lãi suất và phát tín hiệu sẽ không sớm giảm tốc hay dừng tăng lãi suất.
Giá dầu thô sụt khá mạnh do mối lo về chính sách Zero Covid của Trung Quốc, đồng USD mạnh, và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 146,51 điểm, tương đương giảm 0,46%, còn 32.001,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,06%, còn 3.719,89 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,73%, còn 10.342,94 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong lúc nhà đầu tư nghiền ngẫm về quyết định tăng 0,75 điểm phần trăm lãi suất mà Fed đưa ra hôm thứ Tư. Lợi suất tăng gây áp lực mất giá mạnh lên cổ phiếu. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt 4,739%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2007. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ, về mức 4,15%.
“Chính sách của Fed tiếp tục gây áp lực giảm lên thị trường chứng khoán Mỹ. Những đợt tăng lãi suất đầu tiên đã bắt đầu có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cổ phiếu sẽ không sụp đổ, nhưng sẽ suy yếu cho tới khi thị giá phản ánh thêm được sự cứng rắn của Fed”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.
Hôm thứ Tư, chứng khoán Mỹ chuyển từ tăng sang giảm mạnh sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng còn quá sớm để bàn về việc dừng tăng hay giảm tốc độ tăng lãi suất và nói rằng mức đỉnh của lãi suất - mức mà ở đó Fed dừng tăng - có thể phải cao hơn so với dự tính ban đầu. Trước cuộc họp vừa rồi của Fed, nhiều nhà giao dịch đã kỳ vọng Fed sẽ phát tín hiệu sớm giảm tốc, để rồi cuối cùng thất vọng.
Giờ đây, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích dự báo thị trường sẽ tiếp tục giằng co cho tới khi lạm phát thực sự giảm nhiệt và Fed có cơ sở chắc chắn để dừng tăng lãi suất.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong phiên ngày thứ Sáu sẽ là báo cáo việc làm Mỹ tháng 10 từ Bộ Lao động nước này. Những dữ liệu tốt sẽ đồng nghĩa với việc Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới.
Theo ông Adam Sarhan, CEO của 50 Park Investments, những vết nứt đã bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế vốn còn đang vững vàng của Mỹ, nhưng Fed cần chứng kiến một sự giảm tốc rõ ràng để có thể chuyển sang một lập trường mềm mỏng hơn.
“Tỷ lệ thất nghiệp cần tăng lên để lạm phát giảm xuống”, ông Sarhan nói. “Đó là thực tế… Người tiêu dùng sẽ phải giảm mua hàng hoá và dịch vụ nếu họ không có công ăn việc làm”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,49 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 94,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,82 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 88,17 USD/thùng.
Đồng USD tăng giá từ sau cuộc họp của Fed tiếp tục là một nguồn áp lực mất giá đối với dầu. Chỉ số Dollar Index tăng gần 1,5% trong phiên ngày thứ Năm, chốt ở mức gần 113 điểm.
Bên cạnh đó, mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên triển vọng giá dầu. Nỗi lo này một phần đến từ việc các quốc gia chạy đua nâng lãi suất để chống lạm phát. Tuần này, ngoài Fed còn có Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất. Áp dụng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mạnh nhất kể từ năm 1989, BOE cảnh báo nền kinh tế Anh có thể rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài.
“Giá dầu đang vật lộn với triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu và một đồng USD mạnh. Có vẻ như những động lực gây giảm giá dầu sẽ không sớm dịu bớt”, nhà phân tích Moya của Oanda nói.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ tình hình Covid ở Trung Quốc. Số ca nhiễm mới ở nước này lại đang tăng mạnh, buộc nhà chức trách tiếp tục theo đuổi các biện pháp Zero Covid nghiêm ngặt.
Dù sao, mức giảm giá dầu cũng được hạn chế phần nào bởi mối lo nguồn cung dầu thắt chặt trong những tháng tới. Lệnh cấm vận dầu lửa Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12, trong khi sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang có chiều hướng giảm.