Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (27/2), rời khỏi mức kỷ lục thiết lập vào hôm thứ Sáu tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát quan trọng sắp công bố trong tuần này. Giá dầu thô tăng do lo ngại gián đoạn hoạt động vận tải biển từ Trung Đông, trong khi giá bitcoin tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,38%, còn 5.069,53 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,13%, còn 15.976,25 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 62,3 điểm, tương đương giảm 0,16%, còn 39.069,23 điểm.
Gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 4,299%, tăng khoảng 3 điểm cơ bản so với mức chốt của tuần trước.
Thị trường bước vào tuần giao dịch mới sau khi liên tiếp lập kỷ lục trong tuần trước nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của hãng sản xuất con chip Nvidia - trung tâm của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Hôm thứ Sáu, S&P 500 và Dow Jones cùng đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại.
Nhà đầu tư đang theo dõi liệu xung lực tăng nhờ AI có thể duy trì hay không, trong khi những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn đang phủ bóng lên thị trường. Vì vậy, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - dự kiến công bố vào ngày thứ Năm tuần này thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Ông Alex McGrath, Giám đốc đầu tư của công ty NorthEnd Private Wealth, nhận định ở thời điểm hiện tại, xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ dựa vào cổ phiếu AI có vẻ khá bền vững.
“Các kỳ vọng về Nvidia và các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn khác có vẻ đã mang tới niềm tin rằng AI sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng tăng của thị trường”, ông McGrath phát biểu.
Còn theo chiến lược gia trưởng John Stoltzfus của công ty Oppenheimer, sự hưng phấn của nhà đầu tư đối với cổ phiếu đã tăng lên nhờ mùa báo cáo tài chính tốt hơn dự kiến. Tâm trạng lạc quan này được duy trì “ngay cả khi thị trường phải nghiền ngẫm về khả năng Fed còn giữ cảnh giác cao với sự dai dẳng của lạm phát khi cân nhắc có giảm lãi suất trong năm nay hay không, và nếu có thì giảm từ lúc nào và giảm bao nhiêu”.
Tuần này sẽ có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố và một số quan chức Fed phát biểu về chính sách tiền tệ. Ngoài báo cáo PCE, còn có các báo cáo về số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền vào ngày thứ Ba và lượng hàng bán buôn tồn trữ vào ngày thứ Tư. Tất cả các số liệu này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn về tình trạng của nền kinh tế Mỹ, từ đó giúp nhà đầu tư định hình kỳ vọng lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,91 USD/thùng, tương đương tăng 1,11%, chốt ở mức 82,53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1,43%, chốt ở 77,58 USD/thùng.
Hôm thứ Bảy, phiến quân Houthi thân Iran ở Yemen tấn công hụt một tàu chở dầu mang cờ Mỹ đi qua Biển Đỏ. Tuần trước, một tàu chở dầu khác bị tấn công ở vùng biển này, khiến thuỷ thủ đoàn phải bỏ tàu và dẫn tới tình trạng rò rỉ dầu ra biển.
Nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông “là những gì đang ám ảnh thị trường”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định với hãng tin Reuters.
Giá dầu đã giằng co trong vùng 70-90 USD/thùng từ tháng 11 năm ngoái tới nay, khi áp lực giảm từ mối lo về sự gia tăng nguồn cung dầu Mỹ và nhu cầu dầu suy yếu ở Trung Quốc xung đột với sức ép tăng giá đến từ các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Gaza.
Giá bitcoin có lúc đạt 54.965 USD trong phiên ngày thứ Hai, cao nhất kể từ tháng 12/2021 - theo dữ liệu từ trang Coin Metrics. Sau đó, giá tiền ảo này dao động quanh ngưỡng 54.500 USD. Trước phiên tăng này, giá bitcoin đã khá ổn định quanh ngưỡng 52.000 USD trong vòng khoảng nửa tháng.
Nếu tính từ đầu tháng tới nay, giá bitcoin đã tăng 27%. Giá tiền ảo lớn nhất thế giới vẫn đang được hỗ trợ bởi đợt halving (phân đôi) sắp diễn ra vào tháng 4, và sự hưng phấn của nhà đầu tư với các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay mới được thành lập ở Mỹ vào đầu năm nay.
Trong một báo cáo gần đây, chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định sau một khoảng thời gian dè dặt trong tháng 1, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trở nên hào hứng hơn với tiền ảo trong tháng 2 này. Ông cho rằng có 3 chất xúc tác chính giúp lý giải mối quan tâm gia tăng của nhà đầu tư cá nhân với tiền ảo, bao gồm đợt halving sắp tới của bitcoin, đợt nâng cấp kỹ thuật sắp tới của đồng ether, và khả năng nhà chức trách Mỹ sắp cho phép mở quỹ ETF ether.