Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/4), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp - chuỗi phiên giảm dài nhất 6 tháng trở lại đây. Giá dầu thô chững lại trong lúc chờ tin mới từ cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,22%, còn 5.011,12 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,52%, còn 15.601,5 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 22,07 điểm, tương đương giảm 0,06%, còn 37.775,38 điểm.
Từ đầu tuần đến nay, S&P 500 phiên nào cũng tăng vào đầu phiên, rồi lại để mất hết thành quả tăng vào cuối phiên. Với phiên giảm vừa rồi, Dow Jones đã gần như trở lại vạch xuất phát của năm 2024.
Đến nay, S&P 500 và Nasdaq đều đã có 5 phiên giảm liên tiếp. Đối với S&P 500, đây là chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ cuối tháng 10 năm ngoái - thời điểm trước khi thị trường bước vào thời kỳ giá lên. Đối với Nasdaq, đây là chuỗi phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1.
Tuần này chứng kiến sự tụt dốc của cả ba chỉ số, trong đó S&P 500 đã giảm hơn 2% từ đầu tuần; Dow Jones giảm 0,6% và Nasdaq mất hơn 3% điểm số. Với sự bết bát như vậy, cả ba thước đo chính của giá cổ phiếu ở Phố Wall đều đang tiến tới tuần giảm thứ tư liên tiếp - chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 12/2022.
Thị trường đang có một sự khởi động kém thuận lợi cho quý 2, khi nhà đầu tư đối mặt với thực tế rằng sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ có thể dẫn tới lạm phát dai dẳng, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với dự kiến ban đầu. Sự dịch chuyển trong kỳ vọng lãi suất khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu, nhất là nhóm công nghệ vốn đã tăng mạnh trong quý 1.
“Thị trường đang giảm trên diện rộng. Chúng tôi đang để ý xem liệu những mức đáy sau có thấp hơn đáy trước hay không”, chiến lược gia Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Kết quả kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết cũng không thể giúp các chỉ số đảo ngược xu hướng giảm. Tính đến ngày thứ Năm, đã có hơn 12% số công ty thành viên của S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, trong đó có 73% đạt kết quả vượt dự báo của giới phân tích - theo dữ liệu từ FactSet.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI giao tháng 5 tại New York tăng 0,04 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,05%, chốt ở mức 82,73 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tại London giảm 0,18 USD/thùng, tương đương giảm 0,21%, còn 87,11 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm hơn 3% trong phiên ngày thứ Ba trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông chưa có những diễn biến leo thang mới. Đến hiện tại, Israel vẫn chưa có động thái đáp trả nào sau cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran vào lãnh thổ nước này vào cuối tuần vừa rồi. Nỗi lo về một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông - khu vực giữ vai trò một nguồn cung dầu chủ lực của thế giới - tạm thời lắng dịu.
“Giá dầu giảm sẽ dẫn tới nhu cầu bắt đáy”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định với hãng tin Reuters, cho rằng nhu cầu dầu sẽ duy trì vững vì không có dấu hiệu nào cho thấy sự giảm tốc kinh tế toàn cầu sắp xảy đến.
Theo nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil, có vẻ như áp lực quốc tế đối với Israel sẽ khiến nước này chỉ phản ứng một cách “chừng mực và vừa phải” đối với cuộc tấn công của Iran. Ngoài ra, các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) của Ukraine vào hạ tầng dầu khí của Nga cũng đã giảm xuống.
“Các nhà đầu cơ dầu giá lên đang rơi vào thế khó vì phần bù rủi ro xuất phát từ Nga và vùng Cận Đông tiếp tục giảm xuống”, bà Varga nhận định trong một báo cáo.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã áp các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa của Iran, nhưng các biện pháp mới này chưa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Ngoài yếu tố rủi ro địa chính trị lắng xuống, giá dầu còn giảm tuần này do lượng dầu tồn trữ tăng mạnh. Theo số liệu hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng xăng dầu tồn trữ của nước này đã tăng thêm 10 triệu thùng trong tuần trước.