Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/12), khi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sớm và giảm nhiều trong năm 2024 khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trượt xuống dưới 4%. Dữ liệu thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tăng cũng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế.
Giá dầu thô tăng hơn 3%, tiếp tục hồi phục từ sau đợt bán tháo gần đây, nhờ triển vọng lãi suất và cú sụt của tỷ giá đồng USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 158 điểm, tương đương tăng 0,43%, đạt 37.248,35 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao kỷ lục của Dow Jones, được thiết lập chỉ một ngày sau khi chỉ số blue-chip lần đầu tiên trong lịch sử chốt phiên trên ngưỡng 37.000 USD.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,26%, đóng cửa ở mức 4.719,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, đạt 14.761,56 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới 4% lần đầu tiên kể từ tháng 8, trong bối cảnh thị trường gia tăng các đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm tới. Kỳ vọng về lãi suất đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ hôm thứ Tư, khi Fed giữ nguyên lãi suất và dự báo sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024 - nhiều hơn 1 lần so với dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 9.
Tín hiệu mềm mỏng từ Fed khiến thị trường tin rằng chu kỳ thắt chặt này của Fed đã dừng ở đây, Fed có thể sẽ giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024 và có thể giảm lãi suất tới 6 lần, với tổng mức giảm 1,5 điểm phần trăm, trong cả năm sau. Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Tư nhờ những đặt cược mới này.
“Fed đã cho thấy một sự xoay trục sang mềm mỏng như kỳ vọng của thị trường trước cuộc họp tháng 12 của Fed. Chúng tôi không cho rằng Fed sẽ chuyển ngay sang nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng tin là Fed sẽ hành động cân bằng hơn. Và đúng là Fed đã làm như vậy”, nhà kinh tế trưởng Michael Gapen của Bank of America nhận định trong một báo cáo.
Giới phân tích cho rằng S&P 500 có thể sớm theo Dow Jones thiết lập kỷ lục mới, bởi thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ hiện chỉ còn thấp hơn 1,6% so với mức điểm đóng cửa cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 1/2022. Nasaq đang thấp hơn khoảng 8% so với mức đóng cửa kỷ lục và thấp hơn khoảng 9% so với kỷ lục nội phiên.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng 11 bất ngờ tăng, cho thấy một sự khởi động tốt đẹp của mùa mua sắm cuối năm, qua đó giải toả thêm mối lo về suy thoái kinh tế.
Một số chuyên gia có quan điểm thận trọng sau khi S&P 500 đã tăng gần 6% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
“Thị trường đã đi vào vùng mua quá nhiều (overbought) dù xét theo bất kỳ thông số hay tiêu chí nào. Sắp tới, rất có thể thị trường sẽ chuyển sang tích luỹ hoặc chững lại, nhất là sau phiên tăng mạnh ngày hôm qua. Dù đang ăn mừng lãi suất giảm, thị trường có thể sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lợi suất lại giảm dưới 4% nếu triển vọng kinh tế đang tốt”, chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,11 USD/thùng, tương đương tăng 3,04%, chốt ở mức 71,58 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,35 USD/thùng, tương đương tăng 3,16%, chốt ở mức 76,61 USD/thùng.
Trước phiên này, giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Tư nhờ lạc quan về lãi suất và thống kê cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ giảm 4,3 triệu thùng - mức giảm mạnh hơn dự báo.
Phiên này, ngoài triển vọng lãi suất, giá dầu còn được hỗ trợ bởi triển vọng có phần được cải thiện của nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Báo cáo ngày thứ Năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức dự báo tăng 930.000 thùng/ngày mà cơ quan này đưa ra trong lần dự báo trước.
Đồng USD giảm giá mạnh cũng có lợi cho giá dầu, khi chỉ số Dollar Index rớt xuống mức thấp nhất 4 tháng.
Giá dầu đã hồi phục trong tuần này sau đợt bán tháo dữ dội trước đó. So với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 9, giá dầu đã giảm hơn 20 USD/thùng trước khi hồi phục vào hôm thứ Tư. Áp lực giảm đối với giá dầu đến từ sự xung đột giữa sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ với tình trạng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc - nhân tố dẫn tới mối lo thừa cung, thiếu cầu dầu.
Cuối tháng 11, liên minh dầu lửa OPEC+ đã ra quyết định giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024. Tuy nhiên, thị trường nghi ngờ các nước thành viên của liên minh sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ việc giảm sản lượng này.
Trong báo cáo tháng 12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho rằng “mối lo thái quá về tăng trưởng nhu cầu dầu” là nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm.
Tuy nhiên, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2024 sẽ chỉ tăng bằng một nửa so với mức tăng của năm nay. Cùng với đó, sản lượng dầu của Mỹ, Brazil và Guyana đều đang cao kỷ lục. Sản lượng dầu ngoài OPEC được dự báo sẽ tăng chậm lại trong năm 2024, nhưng vẫn sẽ tăng nhiều hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với mức tăng của nhu cầu.
“Sản lượng dầu tiếp tục tăng và nhu cầu tăng trưởng chậm lại sẽ cản trở nỗ lực của các nước sản xuất dầu lớn nhằm bảo vệ thị phần và giữ giá dầu cao”, IEA nhận định trong báo cáo.