Thị trường chứng khoán Mỹ tụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/10), chấm dứt chuỗi hai phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 diễn ra trong hai ngày đầu tuần. Giá dầu thô tăng phiên thứ ba liên tiếp sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Áp lực đối với giá cổ phiếu ở Phố Wall đã xuất hiện trở lại khi đồng USD hồi giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại tăng do xuất hiện những dấu hiệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn nóng và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn quyết tâm tăng lãi suất để chống lạm phát.
Vào đầu tuần này, thị trường đã nhận được lực hỗ trợ từ số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ có vẻ yếu đi. Tuy nhiên, dữ liệu mới công bố ngày thứ Tư lại cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt, theo đó củng cố lập trường cứng rắn của Fed và dập tắt những tia hy vọng le lói về một sự dịch chuyển sớm của Fed sang mềm mỏng hơn.
Dù thoát khỏi đáy của phiên, cả ba chỉ số chính cùng chốt phiên trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones mất 0,14%; chỉ số S&P 500 giảm 0,2%; và chỉ số Nasdaq trượt 0,25%.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng giảm điểm trong phiên này, sau khi tăng liên tiếp trong 2 phiên đầu tuần. Chỉ số MSCI All Country World Index đóng cửa mất 0,12%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 14 điểm cơ bản, lên mức 3,749%, sau hai ngày giảm liên tiếp. Chỉ số Dollar Index hồi về vùng 110 điểm, từ mức hơn 109 điểm của phiên trước.
Những tia hy vọng rằng nền kinh tế có thể đang giảm tốc tới mức đủ để khiến Fed tăng lãi suất chậm lại đã bị dập tắt trong phiên ngày thứ Tư, trên nhiều “mặt trận” khác nhau.
Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) tiếp tục tăng lãi suất với bước nhảy lớn; báo cáo việc làm Mỹ của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân nước này trong tháng 9 tăng mạnh hơn dự báo; và báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy ngành dịch vụ Mỹ tháng 9 suy giảm ít hơn dự báo và số lượng công việc trong ngành này cũng tăng lên.
Tất cả những dữ liệu này cộng hưởng cho thấy một nền kinh tế đang giảm tốc ở mức không đủ chậm để khiến các ngân hàng trung ương phải “nghĩ lại” về sự cứng rắn của họ.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, nói rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed “có thể mới chỉ đang ở những ngày đầu” bất chấp “những tia hy vọng” có được từ những số liệu gần đây.
“Sự tăng giá của cổ phiếu và trái phiếu trong mấy ngày qua là dựa vào các số liệu kinh tế và thị trường lao động yếu đi. Ngày hôm nay, cổ phiếu và trái phiếu lại đang bị bán, sau một quyết định chính sách cứng rắn của New Zealand và dữ liệu kinh tế mạnh lên của Mỹ”, chiến lược gia trưởng Jacob Manoukian của JPMorgan Private Bank nhận định với hãng tin Reuters.
“Rất khó để rút ra điều gì từ những biến động giá cổ phiếu hàng ngày, khi mà thị trường còn đang bất kham như thế này. Nhưng nhân tố chủ đạo chi phối thị trường trong thời gian còn lại của quý 3 có lẽ vẫn là đường đi của chính sách tiền tệ.
Ngày thứ Sáu tuần này, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm hàng tháng. Bản báo cáo được kỳ vọng sẽ đưa ra một bức tranh rõ ràng và toàn diện hơn về tình hình thị trường lao động Mỹ cho các nhà đầu tư và hoạch định chính sách.
Giá dầu thô có phiên tăng thứ ba liên tiếp, đạt mức cao nhất 3 tuần, sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày. Số dầu này tương đương khoảng 2% nguồn cung dầu toàn cầu và đánh dấu đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất của OPEC kể từ sau đợt cắt giảm sản lượng vào đầu năm 2020 - khi Covid mới trở thành đại dịch toàn cầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,7%, chốt ở 93,37 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York tăng 1,4%, đạt 87,76 USD/thùng.