Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/9), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, cũng như nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa. Giá dầu thô cũng chốt phiên trong trạng thái giảm, dù có thời điểm trong phiên tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 370,46 điểm, tương đương giảm 1,08%, còn 34.070,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,64%, còn 4.330 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,82%, còn 13.223,98 điểm.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của cả ba chỉ số, và là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 của S&P 500. Dow Jones và S&P 500 đang trên đà hoàn tất tuần giao dịch này với mức giảm tương ứng là 1% và 2%, trong khi Nasdaq đã giảm hơn 3% từ đầu tuần.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,49%, cao nhất kể từ năm 2007. Động lực cho cú tăng này là báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, dấu hiệu về một thị trường lao động tiếp tục thắt chặt - nhân tố có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn so với dự kiến, thậm chí có thể tăng thêm lãi suất.
Theo báo cáo trên, trong tuần kết thúc vào ngày 16/9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ giảm 20.000 so với tuần trước đó, còn 201.000 đơn. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo 225.000 đơn mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, đồng thời là mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt 5,2%, mức cao nhất kể từ năm 2006.
“Đó là một dạng tín hiệu cảnh báo đối với thị trường vào lúc này”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC về diễn biến gần đây của lợi suất. Ông nói thêm rằng lợi suất tăng cao “chắc chắn đang gây áp lực lên tâm lý ham thích rủi ro ở thời điểm này”.
Các chỉ số chìm sâu hơn trong sắc đỏ sau khi có tin các lãnh đạo của phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cho viện này bước vào một kỳ nghỉ. Động thái này làm gia tăng mối lo ngại rằng các nhà lập pháp liên bang sẽ không thể thông qua một dự luật để ngăn chính phủ đóng cửa. Thị trường lo ngại một vụ đóng cửa Chính phủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý 4.
Trước đó một ngày, Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Fed cũng phát tín hiệu cắt giảm lãi suất ít hơn so với dự báo trước đó, đồng nghĩa nói rằng sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lại sự “cứng đầu” của lạm phát. Tại họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm, nhưng đó không phải là kịch bản chính của ông.
“Kỳ vọng đang xung đột với thực tế. Đối với nhà đầu tư, môi trường hiện nay không phải là lý tưởng, vì báo hiệu lãi suất cao hơn lâu hơn”, nhà phân tích Shelby McFaddin của Motley Fool Wealth Management.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,23 USD/thùng, chốt ở mức 93,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,03 USD/thùng, còn 89,63 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu tăng 1 USD/thùng sau khi có tin Nga tuyên bố tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel sang tất cả các nước Liên Xô cũ. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức nhằm bình ổn thị trường xăng dầu trong nước - Chính phủ Nga cho biết.
Do lệnh cấm này của Nga, nhiều nước nhập khẩu xăng dầu của Nga sẽ phải chuyển sang mua từ các nhà cung cấp khác, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung. Giá dầu sưởi giao sau có lúc tăng gần 5% trong phiên ngày thứ Năm.
Giá dầu vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ nỗi lo nguồn cung thắt chặt do Nga và Saudi Arabia kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nỗi lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đang chi phối diễn biến giá dầu.
“Lập trường cứng rắn của Fed và thị trường việc làm còn mạnh của Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán và hàng hóa sụt giảm phiên này, gây áp lực giảm lên giá dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital LLC nhận định với hãng tin Reuters.