Chứng khoán Mỹ giao dịch sôi động sau ngày Fed hạ lãi suất. Ảnh: Vox.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua phiên giao dịch bùng nổ khi cả Dow Jones và S&P 500 cùng thiết lập đỉnh mới.
Theo đó, Dow Jones đêm qua (giờ Việt Nam) tăng 522,09 điểm (+1,26%) lên mức 42.025 điểm, đánh dấu lần đóng cửa đầu tiên vượt ngưỡng 42.000 điểm. S&P 500 cũng tăng 1,7% lên mức kỷ lục 5.713 điểm còn Nasdaq Composite tăng 2,51% lên mức 18.013 điểm.
Cổ phiếu công nghệ tăng giá khi quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thúc đẩy tâm lý chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Trong đó, cổ phiếu Nvidia và AMD tăng lần lượt 4% và gần 6%, cổ phiếu Micron Tecnology tăng 2,2%.
Trong khi đó, các cổ phiếu Big Tech khác như Meta Platforms và Alphabet cũng tăng lần lượt 3,9% và 1,5%.
Cổ phiếu của các định chế tài chính như gã khổng lồ JPMorgan Chase cũng tăng 1,4%. Cổ phiếu công nghiệp Caterpillar và Home Depot tăng lần lượt 5,1% và 1,7%.
Trước đó, rạng sáng 19/9 (giờ Việt Nam), Fed đã thông báo cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % sau khi lạm phát cơ bản được kiểm soát và dự kiến cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa, mỗi lần 0,25 điểm % trong năm nay.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên ngân hàng trung ương Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ tháng 3/2020 và chấm dứt chiến dịch chống lạm phát quyết liệt nhất kể từ những năm 1980.
Các quan chức Fed đồng thuận việc cắt giảm lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương xuống mức mới là 4,75-5%/năm. Lãi suất trước đó được giữ ở mức cao nhất trong 23 năm kể từ tháng 7 năm ngoái.
Chia sẻ với CNBC, Timothy Chubb, Giám đốc đầu tư tại Girard Advisory Services, không ngạc nhiên khi thấy thị trường bật tăng.
“Giá tiếp tục tăng trong vài tuần qua. Nhìn chung, chắc chắn có rất nhiều công ty trên thị trường được hưởng lợi từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là các công ty vốn hóa nhỏ”, Chubb nói thêm.
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng mở cửa phiên giao dịch 20/9 trong sắc xanh với Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2% còn Topix tăng 1,63%.
Theo ước tính của Reuters, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 2,7% trong tháng trước. Không tính thực phẩm tươi sống và năng lượng, ước tính lạm phát là 2%, so với 1,9% trong tháng trước.
Chỉ số này sẽ là thước đo cuối cùng về nền kinh tế trước khi ngân hàng trung ương nước này kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Các quan chức Nhật Bản dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25%. Tỷ giá đồng yen Nhật so với USD gần như đi ngang ở mức 142,67 yen đổi 1 USD.
Tại Hàn Quốc, chỉ số chứng khoán Kospi cũng tăng 1,45% và chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq tăng 1,51%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng nhẹ 0,2%.