Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/12), kéo dài đợt tăng của tháng 11 và đưa chỉ số S&P 500 lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Giá dầu thô giảm do số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ tăng và bất chấp việc liên minh OPEC+ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,59%, đạt 4.594,63 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,82%, đạt 36.245,5 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,55%, đạt 14.035,03 điểm.
Dow Jones đã đạt mức cao nhất của năm 2023 trong phiên ngày thứ Năm, và tiếp tục lập thêm đỉnh mới trong phiên này. Tính từ đầu năm, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip này đã tăng gần 9,4%. Tháng 11 vừa qua là tháng tăng mạnh nhất của chỉ số trong hơn 1 năm trở lại đây.
Không chỉ là mức cao nhất của năm nay, mức điểm đóng cửa của S&P 500 trong phiên này là cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Các chỉ số đi lên ngay cả khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc ngân hàng trung ương này sớm cắt giảm lãi suất. Trong một bài phát biểu tại trường Spelman College, ông Powell nói “còn quá sớm để kết luận một cách chắc chắn” rằng chính sách tiền tệ “đã đủ thắt chặt”.
Dù ông Powell nói như vậy, các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu nhận định rằng đây là một tín hiệu cho thấy chí ít Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Sự diễn giải này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm sụt hơn 13 điểm cơ bản, còn 4,213%.
“Có ba chất xúc tác ở đây. Thứ nhất là lạm phát đang giảm. Thứ hai là Fed có vẻ như không tăng lãi suất thêm nữa, và thứ ba là nền kinh tế bắt đầu giảm nhiệt dù sự giảm nhiệt đó diễn ra rất chậm. Đây gần như là một sự giảm nhiệt rất vừa đủ, không quá nóng và cũng không quá lạnh. Đó đích xác là những gì thị trường đang mong muốn”, chiến lược gia trưởng Mona Mahajan của công ty Edward Jones nhận định.
Ông Mahajan nói thêm rằng thị trường dường như đang phản ánh vào giá cổ phiếu việc Fed cắt giảm lãi suất, nhưng có vẻ kỳ vọng về thời điểm đợt giảm lãi suất đầu tiên đã dịch chuyển sang nửa sau của năm 2024, thay vì trong nửa đầu năm như trước đó.
Đợt tăng mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong tháng 11 có động lực là niềm tin rằng Fed đã tăng lãi suất xong và có thể giảm lãi suất ngay trong nửa đầu năm tới. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 8,9% và 10,7% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022. Dow Jones tăng 8,8% trong tháng 11, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
Cuộc họp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 13/12.
Tuần này, S&P 500 tăng 0,77%; Dow Jones tăng 2,4%; và Nasdaq tăng 0,38%. Đây là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của cả ba chỉ số.
Tháng 12 thường là một tháng tăng mạnh của chứng khoán Mỹ, nhất là tháng 12 của năm trước năm bầu cử tổng thống Mỹ. “Thị trường đang có lợi thế về yếu tố mùa vụ. Nếu nhà đầu tư tiếp tục tin rằng Fed đã giải quyết được vấn đề lạm phát và sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, nền kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ổn - đúng như sự đồng thuận trên thị trường vào lúc này - thì đó sẽ là điều kiện đủ tốt để giá cổ phiếu tiếp tục tăng”, Giám đốc đầu tư Bob Doll của công ty Crossmark Global Investments nhận định.
Giá dầu thô Brent giao tháng 2 tại London giảm 1,98 USD/thùng, tương đương giảm 2,45%, còn 78,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,89 USD/thùng, tương đương giảm 2,49%, còn 74,07 USD/thùng.
Dầu tụt giá do nhà đầu tư nghi ngờ về sự thực chất trong kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Nhà đầu tư cũng lo ngại về tình trạng ảm đạm của hoạt động sản xuất trên toàn cầu và những chỉ báo về sự gia tăng của nguồn cung dầu ở Mỹ.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,1%, còn giá dầu WTI giảm 1,9%.
Hôm thứ Năm, OPEC+ nhất trí giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý 1/2024, trong đó có 1,3 triệu thùng/ngày trong kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga gia hạn.
Các nhà giao dịch theo dõi tuyên bố này với sự hoài nghi - theo nhà phân tích Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda. “Có vẻ như các nhà giao dịch không tin là các nước thành viên OPEC+ sẽ tuân thủ đầy đủ kế hoạch giảm sản lượng này, hoặc họ cũng không cho rằng giảm sản lượng như vậy là đủ để kéo giá dầu lên”, ông Erlam nói.
Kết quả các cuộc khảo sát về ngành sản xuất trên toàn cầu cho thấy hoạt động sản xuất đang yếu do nhu cầu suy giảm. Triển vọng ảm đạm của ngành sản xuất và nền kinh tế toàn cầu được xem là tín hiệu bất lợi về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu Brent đã giảm gần 20 USD/thùng sau khi đạt mức 98 USD/thùng vào cuối tháng 9.
Trong khi đó, nguồn cung dầu ở Mỹ lại có dấu hiệu tăng. Báo cáo từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes của Mỹ cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động Mỹ trong tuần này tăng lên con số 505 giàn, nhiều nhất kể từ tháng 9.