Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/4) trong trạng thái gần như đi ngang, trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh bước vào cao điểm và nhà đầu tư nghiền ngẫm báo cáo từ loạt doanh nghiệp lớn gồm Netflix và Morgan Stanley. Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vì đồng USD tăng giá và mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,01%, còn 4.154,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 12.157,23 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 79,62 điểm, tương đương giảm 0,23%, còn 33. 897,01 điểm.
Nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính trong ngày thứ Tư đưa ra kết quả vượt dự báo, một do kỳ vọng của các nhà phân tích là thấp. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đã nhận thấy những điểm bất ổn trong các báo cáo này, khiến thị trường giảm điểm.
Chẳng hạn, việc một số công ty lớn không đưa ra dự báo về tình hình kinh doanh trong thời gian tới khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an. Ngoài ra, việc Fed được cho là sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra sau 2 tuần nữa và nguy cơ suy thoái bủa vây cũng là những nhân tố khiến thị trường tăng không nổi.
“Đến thời điểm này của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, thị trường nhìn chung có phản ứng khá nhạt. Chúng tôi lo ngại về sự suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, và sự suy giảm đã bắt đầu được thể hiện ở những báo cáo đã được công bố, nhưng thị trường chưa phản ứng quá nhiều với điều đó”, Giám đốc phụ trách khách hàng của công ty Aspiriant, ông Sandi Bragar, nói với hãng tin CNBC.
Cổ phiếu Netflix giảm 3,2% sau khi “gã khổng lồ” truyền nội dung trực tuyến này khiến nhà đầu tư thất vọng vì lùi kế hoạch xử lý tình trạng chia sẻ mật khẩu tài khoản của người dùng. Trong quý 1, Netflix đạt mức lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao hơn so với dự báo của giới phân tích. Lượng thuê bao Netflix trong quý cũng tăng mạnh hơn dự báo, nhưng doanh thu không đạt kỳ vọng.
Morgan Stanley là ngân hàng lớn cuối cùng công bố kết quả kinh doanh trong mùa báo cáo tài chính này. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 0,7% phiên này, sau khi báo cáo cho thấy doanh thu và lợi nhuận đều vượt dự báo, nhưng tỷ suất lợi nhuận ở các mảng ngân hàng đầu tư, quản lý gia sản và quản lý tài sản không được như kỳ vọng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong mùa này được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng 3 khiến thị trường chấn động. Báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng lớn đều cho thấy tình hình vẫn ổn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn thận trọng, cho rằng các ngân hàng khu vực mới là những mắt xích yếu hơn.
Thị trường giằng co trong tuần này khi nhà đầu tư nghiền ngẫm các báo cáo tài chính. Trong mùa báo cáo tài chính này, Phố Wall săn lùng những dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của nhu cầu và những điều kiện có thể gây suy giảm lợi nhuận trong nửa sau của năm 2023 - theo nhà phân tích Emmanuel Cau của ngân hàng Barclays.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý 1 sẽ không khiến thị trường biến động nhiều”, ông Cau nói.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,65 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 83,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,7 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 79,16 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 31/3, xóa sạch thành quả tăng có được sau động thái cắt giảm sản lượng bất ngờ của nhóm OPEC+ hôm 2/4. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga.
Dầu giảm giá khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng hơn 0,2%, chốt phiên trên mức 102 điểm.
Ngoài ra, với lạm phát ở Mỹ, Anh và châu Âu đều còn cao so với mục tiêu, triển vọng Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất là một mối lo của nhà đầu tư dầu lửa. Lãi suất tăng có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế, kéo theo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Dầu giảm giá phiên này cho dù báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô tuần qua của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm 1,1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nguyên nhân của sự sụt giảm là các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tăng hoạt động và nước này cũng xuất khẩu nhiều dầu hơn.
Giá dầu còn chịu áp lực giảm từ thông tin cho thấy các nhà máy lọc dầu ở châu Á tiếp tục mua mạnh dầu thô Nga trong tháng 4, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ mua nhiều nhất. Theo hãng tin Reuters, dầu Nga bán trong tháng 4 đạt mức giá cao hơn so với trần giá 60 USD/thùng mà phương Tây đặt ra.
Ngoài ra, lượng dầu lên tàu đi xuất khẩu từ các hải cảng phía Tây của Nga trong tháng 4 được dự báo sẽ đạt trên 2,4 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 2019, cho dù nước này tuyên bố giảm sản lượng.