Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/6) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Giá dầu thô sụt giảm vì mối lo rằng việc lãi suất tiếp tục tăng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 232,79 điểm, tương đương giảm 0,68%, còn 33.979,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,08%, đạt 4.372,59 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,39%, đạt 13.626,48 điểm.
Các chỉ số giằng co và khối lượng giao dịch cổ phiếu tăng mạnh sau khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận ra quyết sách trong Fed, đưa ra quyết định sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày. Kết quả cuộc họp này là cách mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ phản ứng với một nền kinh tế mạnh hơn kỳ vọng và lạm phát giảm chậm.
Dù giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% sau 10 lần nâng liên tiếp, dự báo lãi suất cập nhật của Fed nghiêng về cứng rắn. Dự báo “dot plot” cho thấy các thành viên FOMC kỳ vọng lãi suất nhất định còn tăng, với mức dự báo bình quân là lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức 5,6% vào cuối năm nay.
Bước nhảy lãi suất hiện nay của Fed là 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng, nên mức lãi suất dự báo nói trên đồng nghĩa Fed còn 2 lần nâng lãi suất nữa trong 4 cuộc họp còn lại của năm nay. Một báo cáo của ngân hàng Bank of America sau cuộc họp Fed dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9.
“Một số người đã kỳ vọng rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong lần họp này và sẽ không tăng lãi suất thêm nữa. Tuy nhiên, có vẻ như các thành viên FOMC đã trở nên cứng rắn hơn so với lần họp trước, và tôi nghĩ rằng điều này khiến nhà đầu tư ngạc nhiên”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin Reuters.
Trước đó, báo cáo thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/6 cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 5 giảm mạnh hơn dự báo nhờ giá năng lượng và thực phẩm đi xuống, phản ánh xu hướng giảm dù còn chậm của lạm phát. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 công bố hôm thứ Ba cũng cho thấy lạm phát toàn phần dịu đi, dù lạm phát lõi còn dai dẳng.
Thị trường hiện đang đặt cược khả năng 63% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7, tăng từ mức 60% vào hôm thứ Tư - theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool.
Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên này tăng mạnh lên mức 12,1 tỷ cổ phiếu, so với bình quân 10,7 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Chứng khoán Mỹ đã tăng trong những tuần gần đây, đưa S&P 500 và Nasdaq lên đỉnh 14 tháng, nhờ những dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế, một mùa báo cáo tài chính tốt hơn dự báo, và đặt cược rằng lãi suất đã gần đỉnh.
S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đã tăng khoảng 14% trong năm nay, trong khi Nasdaq tăng khoảng 30%. Đóng góp nhiều nhất vào sự tăng điểm này là những cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple, Nvidia và Tesla. Gần đây hơn, những nhóm cổ phiếu như năng lượng và nguyên vật liệu thô, cùng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cũng gia nhập xu hướng tăng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,09 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 73,2 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở 68,27 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu cùng tăng hơn 3% trong phiên ngày thứ Ba nhờ lạc quan về động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Việc Fed dự kiến còn tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay khiến giá dầu chịu áp lực giảm trong phiên ngày thứ Tư. “Thị trường lo ngại rằng môi trường lãi suất tăng sẽ kéo tụt nhu cầu dầu. Phản ứng tức thì là giá dầu giảm”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Future Group nhận định.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm do báo cáo hàng tuần đến từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) của Chính phủ Mỹ. Báo cáo cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/9, thay vì giảm 0,5 triệu thùng như dự báo của giới phân tích. Dự trữ xăng và dầu diesel cũng tăng mạnh hơn dự báo, tất cả đều được xem là dấu hiệu của sự suy yếu nhu cầu.
Trong một báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay thêm 0,2 triệu thùng/ngày, lên 2,4 triệu thùng/ngày. IEA cho rằng tổng nhu cầu dầu của thế giới năm nay sẽ là 102,3 triệu thùng/ngày. Mức dự báo này của IEA nhỉnh hơn so với dự báo mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đưa ra.
Trong khi đó, ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã hạ dự báo giá dầu, cho rằng giá bình quân của dầu Brent năm nay chỉ đạt 81 USD/thùng, thấp hơn 9 USD/thùng so với con số đưa ra trong lần dự báo trước.