Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/10), khi nhà đầu tư đón nhận báo cáo việc làm cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống - nhân tố củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giá dầu thô vẫn tăng mạnh, lên đỉnh 5 tuần, nhờ lực hỗ trợ từ động thái cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đưa ra trong tuần này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 6301,15 điểm, tương đương giảm 2,1%, còn 29.296,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2,8%, còn 3.639,66 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 3,9%, còn 10.652,41 điểm.
Với phiên giảm này, Nasdaq chỉ còn cách chưa đầy 1% từ mức đáy của năm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 263.000 công việc mới trong tháng 9, ít hơn một chút so với dự báo 275.000 công việc mà một cuộc khảo sát chuyên gia của hãng tin Dow Jones đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%, từ mức 3,7% của tháng 8 - cho thấy thị trường việc làm tiếp tục mạnh lên ngay cả khi Fed cố gắng “hạ nhiệt” nền kinh tế thông qua những đợt tăng lãi suất mạnh tay.
Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào đầu tuần này khi một số dữ liệu cho thấy thị trường việc làm yếu đi. Tuy nhiên, báo cáo ngày thứ Sáu đã đảo ngược đà hồi phục đó, khiến cả ba chỉ số chỉ giữ được một phần thành quả tăng. Tính cả tuần, Dow Jones tăng 2%; S&P 500 tăng 1,5%; và Nasdaq tăng 0,7%.
“Dữ liệu được công bố không khác nhiều so với dự báo, nhưng sự sụt giảm của tỷ lệ thất nghiệp có vẻ là điều khiến thị trường ám ảnh, xét tới ý nghĩa của điều đó đối với lập trường của Fed”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakly Financial nhận định. “Khi kết hợp với mức thấp của số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, tốc độ sa thải gần như bằng 0, tỷ lệ thất nghiệp này có thể khiến Fed càng quyết tâm tăng mạnh lãi suất”.
Dữ liệu thất nghiệp giảm khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, gây thêm áp lực giảm lên giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 6 điểm cơ bản, lên mức 4,316%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 6 điểm cơ bản, lên 3,88%.
“Kết luận được rút ra là không chỉ Fed sẽ không giúp gì cho thị trường, mà việc họ theo đuổi việc ổn định giá cả cũng sẽ duy trì cho tới khi xảy ra một sự nứt vỡ nào đó trên thị trường vốn”, nhà phân tích Christopher Harvey của Wells Fargo Securities nhận định. “Ổn định giá cả có vẻ đang là thứ duy nhất mà Fed tập trung vào, và điều này sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng tiền”.
Bán tháo là xu hướng chung của chứng khoán thế giới trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số MSCI All Country World Index giảm 2,45%.
“Dữ liệu việc làm ngày hôm nay không dẫn tới sự thay đổi nào trong kỳ vọng về sự cứng rắn của Fed - họ sẽ tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào việc giảm lạm phát. Thời điểm Fed dịch chuyển khỏi sự thắt chặt là rất khó đoán, và các điều kiện hiện nay trên thị trường lao động chắc chắn không thúc đẩy một sự dịch chuyển như vậy”, chiến lược gia Charlie Ripley của Allianz Investment Management nhận định.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 3 tháng qua.
Thị trường đang đặt cược khả năng 92% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo lạm phát tháng 9 của Mỹ và những báo cáo tài chính đầu tiên của mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục được hỗ trợ bởi việc OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng diễn ra giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị thực thi lệnh cấm vận dầu Nga và nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu vốn dĩ đã thắt chặt.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,48 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, đóng cửa ở mức 97,91 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 4,18 USD/thùng, tương đương tăng 4,73%, chốt ở 92,63 USD/thùng.
Giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ hôm 30/8, bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của giá dầu, đưa giá “vàng đen” hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp. Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang ở trong vùng “mua quá nhiều” (overbought).
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 10% và giá dầu WTI tăng khoảng 15%. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất của dầu kể từ tháng 3.
“Việc OPEC+ giảm sản lượng có thể đưa giá dầu quay trở lại mốc 100 USD/thùng”, chuyên gia Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.
Công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management cũng dự báo giá dầu Brent “sẽ tăng lên trên mốc 100 USD/thùng trong vài quý tới đây”.