Thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/7), khi nhà đầu tư đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh và dữ liệu kinh tế khả quan. Tuy nhiên, lạm phát leo thang và mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất với bước nhảy lớn đã khiến cả giá cổ phiếu ở Phố Wall và giá “vàng đen” có một tuần đi xuống.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm, tương đương tăng 2,15%, đạt 31.288,26 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,92%, đạt 3.863,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,79%, đạt 11.452,42 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,2%; S&P 500 giảm 0,91%; và Nasdaq mất gần 1,6% điểm số. Với phiên tăng ngày thứ Sáu, S&P 500 hiện thấp hơn khoảng 19% so với mức cao kỷ lục.
“Thị trường đang trở nên tin tưởng hơn một chút rằng Fed có thể sẽ không tăng lãi suất với bước nhảy 1 điểm phần trăm vào cuối tháng này, rằng chúng ta đang tiến gần đến chỗ chứng kiến sự thắt chặt của Fed đã được phản ánh hết vào giá tài sản”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định. Điều này “mang đến một sự giải toả nhất định cho nhà đầu tư, khiến họ mua cổ phiếu trở lại”.
Báo cáo tài chính quý 2 của hai “ông lớn” ngân hàng là Wells Fargo và Citigroup cho thấy cái nhìn rõ nét hơn về tình trạng của nền kinh tế. Cổ phiếu Wells Fargo tăng 6,2% cho dù lợi nhuận quý giảm 48% và nhà băng này phải tăng dự phòng nợ xấu. Cổ phiếu Citigroup tăng 13,2% nhờ lợi nhuận vượt dự báo và hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng lên.
Trong phiên ngày thứ Năm, thị trường đã lo lắng về kết quả ảm đạm của hai ngân hàng lớn khác là JPMorgan Chase và Morgan Stanley. Nhà đầu tư cũng cân nhắc về khả năng Fed tăng lãi suất với bước nhảy mạnh hơn và khả năng xảy ra một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phiên này, thị trường đón nhận dữ liệu sơ bộ mang màu sắc tích cực về niềm tin của người tiêu dùng và doanh thu bán lẻ tốt hơn dự báo. Dữ liệu này xoa dịu nỗi lo về việc Fed sẽ nâng lãi suất 1 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, đồng thời cho thấy người tiêu dùng đang đẩy mạnh việc chi tiêu nay cả khi lạm phát cao kỷ lục.
Phát biểu ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphel Bostic, tỏ ý nói rằng ông có thể không ủng hộ việc tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn. Ông Bostic cảnh báo rằng việc tăng nhanh lãi suất có thể “làm suy yếu những yếu tố đang vận hành tốt”.
“Thị trường có vẻ đón nhận tích cực thông tin này, dù sức mạnh của lĩnh vực bán lẻ có thể làm gia tăng khả năng Fed tiếp tục chiến dịch tăng mạnh lãi suất để giảm nhiệt nền kinh tế và kiểm soát lạm phát”, Giám đốc điều hành Mike Loewengart của E-Trade Capital Management phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,06 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở 101,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,81 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 97,59 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi một quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Washington không kỳ vọng Saudi Arabia sẽ tăng ngay sản lượng khai thác dầu. Thông tin này được tiết lộ giữa lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm tới Trung Đông. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đặt câu hỏi về việc liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có còn dư địa để tăng mạnh sản lượng khai thác dầu.
“Sự hỗ trợ đối với giá dầu ở đây là nhà đầu tư đào sâu hơn về tình hình Saudi Arabia và phát hiện thấy rằng nước này không còn nhiều công suất khai thác dầu dự trữ”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.
Tuần này, giá cả hai loại dầu cùng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng, đồng thời là tuần giảm thứ ba liên tiếp của dầu Brent và tuần giảm thứ ba liên tiếp của dầu WTI, khi thị trường lo ngại suy thoái có thể xảy ra và kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 5,5% và giá dầu WTI mất 6,9%.
Ông Biden đã tới thủ đô Jeddah của Saudi Arabia vào ngày thứ Sáu, mang theo những mục tiêu về năng lượng và lợi ích an ninh của Mỹ. Thị trường kỳ vọng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ kêu gọi Saudi Arabia tăng thêm sản lượng dầu trong chuyến thăm này.
“Nếu thị trường kỳ vọng Tổng thống Biden và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia công bố rằng sản lượng dầu sẽ tăng lên, thì họ chỉ thất vọng mà thôi. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng trong tuần tuần tới đây, nhất là trong cuộc họp vào đầu tháng 8 của OPEC+, sản lượng dầu của cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều sẽ tăng”, chuyên gia Andrew Lipow của Lipow Oil Associates phát biểu.
OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài khối gồm Nga.
Mối lo lãi suất và những số liệu kinh tế kém khả quan đã khiến cả giá dầu Brent và WTI có lúc mất hơn 5 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giảm dưới mức giá đóng cửa của phiên ngày 23/2 - thời điểm trước khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Tuy nhiên, vào cuối phiên, giá dầu đã hồi lại gần như toàn bộ mức giảm này.
Giới phân tích đang nhận thấy sức ép giảm giá đối với dầu vẫn còn lớn do mối lo về sức khoẻ kinh tế toàn cầu.
“Giá dầu Brent đã có lúc giảm đáng kể dưới 100 USD/thùng trong tuần này. Giá dầu có thể tiếp tục giảm xét tới nỗi lo suy thoái kinh tế sẽ không sớm vơi bớt”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Ngoài ra, một “đám mây đen” khác phủ bóng lên triển vọng giá dầu hiện nay là sự bùng dịch Covid-19 trở lại tại nhiều nơi ở Trung Quốc, một nhân tố có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.