Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/4) sau khi đón nhận báo cáo cho thấy lạm phát xuống thang ở Mỹ. Tuy nhiên, nỗi lo suy thoái kinh tế và lời cảnh báo của OPEC về nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè năm nay khiến dầu thô tụt giá.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,33%, đạt 4.146,22 điểm, cao nhất kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq tăng 1,99%, đạt 12.16,27 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,14%, đạt 34.029,69 điểm.
Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 3 giảm 0,5% so với tháng 2, thay vì đi ngang như dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. PPI là thước đo giá cả mà các công ty phải trả, thường đường xem là một chỉ báo sớm của lạm phát tiêu dùng. PPI lõi, chỉ số không bao gồm giá năng lượng và lương thực-thực phẩm, giảm 0,1% thay vì tăng 0,2% như dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Các số liệu này là sự xác nhận xu hướng giảm nhiệt của lạm phát ở Mỹ thể hiện qua báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 công bố hôm thứ Tư. So với tháng 2, CPI chỉ tăng 0,1%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 5%, mức tăng thấp nhất trong gần 2 năm.
Cổ phiếu công nghệ, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các giai đoạn lạm phát tăng và lãi suất tăng, chính là nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của toàn thị trường trong phiên này. Loạt cổ phiếu dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin dẫn dắt S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - tăng cao. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ, như Amazon tăng 4,7%; Alphabet và Meta tăng tương ứng 2,7% và 3%, trong khi Tesla tăng xấp xỉ 3%.
“Thị trường đang nghiêng một chút về tăng khi có bất kỳ tin tốt nào, và trong ngày hôm nay, tin tốt chính là chỉ số PPI tốt hơn so với dự báo. Tôi cho rằng số liệu này mang đến cho mọi người một chút hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có lẽ không cần phải tăng lãi suất trong cuộc họp tới, chuyên gia Rhys Williams của Spouting Rock Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.
Chứng khoán Mỹ đã giảm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên ngày thứ Tư, sau khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tháng 3 của Fed cho thấy cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây có thể khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay.
“Thị trường dường như đang lạc quan hơi quá rằng Fed sẽ ở vào vị thế có thể cắt giảm lãi suất khi thị trường phản ánh kỳ vọng đó vào giá cổ phiếu”, chuyên gia Megan Horneman của Verdence Capital Advisors nói với CNBC. “Tôi không cho rằng Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay, mà sẽ duy trì lãi suất lâu hơn so với mọi người tưởng. Có lẽ, họ chỉ cắt giảm lãi suất vào năm tới, nhưng tôi nghĩ họ sẽ phải duy trì lãi suất vì môi trường lạm phát còn dai dẳng”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,24 USD/thùng, tương đương giảm hơn 1,4%, còn 86,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,1 USD/thùng, tương đương giảm 1,32%, còn 82,16 USD/thùng.
Trước đó, giá cả hai loại dầu cùng tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Tư, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng, nhờ kỳ vọng rằng lạm phát giảm ở Mỹ sẽ dẫn tới việc Fed dừng tăng lãi suất, thậm chí giảm lãi suất trong năm nay.
Trong một báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Năm, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đề cập đến những rủi ro làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ trong mùa hè năng nay. OPEC nhấn mạnh rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu đang tăng và những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, mức giảm giá phiên này của dầu được hạn chế nhờ việc OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi sự tụt giá của đồng USD sau báo cáo PPI yếu hơn dự báo.
Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đang tiếp tục hồi phục, cũng là một nguồn lực hỗ trợ nữa cho giá dầu. Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.