Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/7), sau khi hoàn tất nửa đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Giá dầu thô cũng có một phiên tăng mạnh để mở đầu quý 3, khi mối lo về sự gián đoạn nguồn cung lấn át nỗi lo về khả năng rơi vào suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1321,83 điểm, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 31.097,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 3.825,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 11.127,85 điểm.
Dù tăng phiên này, cả ba chỉ số cùng hoàn tất tuần giảm thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây. Cả tuần, Dow Jones giảm 1,3%; S&P 500 mất 2,2%; và Nasdaq trượt 4,1%.
Sự chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall đang hướng đến tín hiệu cảnh báo từ một số công ty niêm yết có động thái cắt giảm dự báo lợi nhuận. Vấn đề này, cùng với mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ duy trì dai dẳng, đang gây áp lực lên giá cổ phiếu trên diện rộng.
Trong cảnh báo mới nhất, hãng xe General Motors (GM) nói rằng những vấn đề về sản xuất trong quý 2 có thể khiến lợi nhuận ròng quý của hãng giảm còn 1,6-1,9 tỷ USD. Trước đó, giới phân tích dự báo GM có 2,5 tỷ USD lợi nhuận ròng trong quý vừa qua. Tuy nhiên, cổ phiếu GM tăng 1,4% trong phiên ngày.
Cổ phiếu hãng chip Micron Technology giảm khoảng 3% vì dự báo gây thất vọng của công ty về lợi nhuận quý 2. Loạt cổ phiếu chip khác cũng giảm theo, như Nvidia mất 4%; Qualcomm, Western Digital và AMD giảm 3% mỗi cổ phiếu.
Chuyên gia Michael Burry của “The Big Short” cảnh báo rằng đợt biến động này trên thị trường tài chính mới đi được nửa chặng đường và lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ giảm sút. Nhà phân tích Ross Mayfield của Baird đồng tình với quan điểm của ông Burry, cho rằng dự báo tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các công ty trong S&P 500 đạt 10% “có thể là quá cao” ngay cả trong trường hợp nền kinh tế chỉ giảm tốc nhẹ.
Ông Mayfield nhấn mạnh rằng để thị trường có thể hồi phục, lạm phát cần qua đỉnh. Trong nửa đầu năm, lạm phát là vấn đề trung tâm dẫn tới bán tháo dữ dội ở Phố Wall.
Số liệu của Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 6 kém hơn dự báo. Chỉ số của ngành sản xuất toàn quốc giảm còn 53 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số đo lượng đơn hàng mới cũng giảm còn 49,2 điểm, từ mức 55,1 điểm trước đó, phản ánh sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020 của lượng đơn hàng mới.
Trong quý 2, S&P 500 giảm hơn 16%, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Nửa đầu năm, chỉ số giảm 20,6%, mạnh nhất kể từ năm 1970. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ cũng rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vì đã giảm hơn 21% so với mức cao kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng 1.
Dow Jones và Nasdaq cũng không tránh khỏi tình trạng tuột dốc chóng mặt trong 2 quý vừa qua. Dow Jones - chỉ số với 30 cổ phiếu - mất 11,3% trong quý 2, nâng tổng mức giảm trong nửa đầu năm lên 15%. Nasdaq sụt 22,4% trong quý 2, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Với mức giảm này, Nasdaq chìm sâu vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, vì giảm gần 32% so với đỉnh cao mọi thời đại thiết lập vào tháng 11. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số đã giảm 29,5%.
Một số nhà đầu tư và chuyên gia ở Phố Wall lạc quan rằng thị trường sẽ hồi phục trong thời gian còn lại của năm 2022 vì lịch sử cho thấy khi thị trường giảm hơn 15% trong nửa đầu năm, thì xu hướng của nửa cuối năm thường là hồi phục. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chuẩn bị tinh thần cho việc làm phát cao tiếp tục duy trì và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay – những yếu tố cản trở cơ hội phục hồi của giá cổ phiếu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,6 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt tuần ở mức 111,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,67 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, đạt 108,43 USD/thùng.
Cả tuần này, giá dầu Brent giảm 1,3% trong khi giá dầu WTI tăng 0,8%. Tháng 6, giá cả hai loại dầu cùng có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái do mối lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ và trên thế giới.
Phiên này, giá dầu lại được hỗ trợ bởi mối lo về sự thắt chặt nguồn cung. Một kế hoạch biểu tình quy mô lớn của công nhân ngành dầu lửa Na Uy và bất ổn chính trị ở Libya và Ecuador khiến nguồn cung dầu từ các quốc gia này có thể gián đoạn, trong khi thị trường vốn đã eo hẹp về nguồn cung do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác 28,52 triệu thùng dầu trong tháng 6, giảm 100.000 thùng/ngày so với mức sản lượng của tháng 5. Sự sụt giảm này diễn ra ngay trong lúc OPEC cùng đồng minh ngoài khối, tức nhóm OPEC+, vẫn đang thực thi kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị có chuyến công du 3 nước Trung Đông vào giữa tháng 7 này, bao gồm một chuyến thăm Saudi Arabia vào giữa tháng 7. Chính sách năng lượng được dự báo sẽ là một chủ đề lớn của chuyến thăm, trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia khác đối mặt với giá xăng dầu tăng cao – nhân tố chính kéo lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, ông Biden ngày 1/7 nói rằng ông sẽ không gây sức ép trực tiếp đòi Saudi Arabia phải tăng sản lượng dầu khi ông gặp nhà vua và thái tử của nước này trong chuyến thăm sắp tới.