Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/12), phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, duy trì xu hướng tăng của tháng cuối năm với chất xúc tác là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3.
Các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng hoá trên Biển Đỏ làm gia tăng mối lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, đẩy giá dầu tăng mạnh dù thế giới đối mặt triển vọng thừa dầu trong năm 2024.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 159,36 điểm, tương đương tăng 0,43%, đạt 37.545,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,42%, đạt 4.774,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,54%, đạt 15.074,57 điểm.
Một ngày sau kỳ nghỉ, khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng giảm xuống mức thấp. Tuy nhiên, S&P 500 đã đạt mức nội phiên cao nhất kể từ tháng 1/2022 và cả ba chỉ số đều trên đà hoàn tất một tháng tăng, quý tăng và năm tăng.
Đà tăng mạnh mẽ được ghi nhận ở các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cổ phiếu chip - vốn là những nhóm có mức độ nhạy cảm cao với biến động lãi suất và kỳ vọng lãi suất. Dù vậy, toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái tăng.
“Xung lực của thị trường vẫn là đi lên. Chúng ta đã có số liệu lạm phát tốt vào hôm thứ Sáu. Nếu lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 1 và tháng 2, nhiều khả năng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến”, nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo của công ty Spartan Capital Securities ở New York nhận định với hãng tin Reuters.
Hôm thứ Sáu, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng hoàn tất tuần tăng thứ 8 liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất trong nhiều năm trở lại đây, sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy lạm phát đang giảm về gần hơn mục tiêu 2% của Fed.
Sau phiên ngày thứ Ba, S&P 500 chỉ còn cách 0,5% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 1/2022. Vượt được kỷ lục đóng cửa 4.796,56 điểm, S&P 500 sẽ thiết lập trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market) vì đạt mức tăng 20% kể từ mức đáy đóng cửa gần đây nhất thiết lập vào tháng 10/2022 - thời điểm chỉ số rơi vào trạng thái đầu cơ giá xuống (bear market).
Đợt tăng đã kéo dài 8 tuần của chứng khoán Mỹ trở nên nóng hơn trong 2 tuần trở lại đây, sau khi Fed phát tín hiệu chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất và mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Thị trường đang đặt cược khả năng 72,7% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Hiện chỉ còn 3 phiên giao dịch nữa là kết thúc năm 2023. Dow Jones và S&P 500 đã tăng tương ứng 13% và 24% từ đầu năm, trong khi Nasdaq tăng 44%.
Trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia cấp cao Scott Wren của Wells Fargo Investment Institute nhận định tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường thời gian gần đây là “hưng phấn” và. “tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sự hưng phấn đó tiếp tục trong tuần này”. Tuy nhiên, ông Wren cũng cho rằng thị trường có thể đang lạc quan quá mức, nhất là về việc Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, mức tăng mạnh nhất phiên này thuộc về nhóm năng lượng do giá dầu tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở mức 81,07 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,01 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, chốt ở mức 75,57 USD/thùng.
Giá dầu đang được hỗ trợ bởi triển vọng Fed cắt giảm lãi suất cũng như mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu đi qua Biển Đỏ - nơi phiến quân Houthi của Yemen vẫn đang sử dụng thiết bị bay không người lái để tấn công vào tàu bè qua lại. Bạo lực vẫn tiếp diễn ở dải Gaza giữa lực lượng của Israel và Hamas của Palestine cũng duy trì âm ỉ mối lo về khả năng chiến tranh lan rộng ra Trung Đông - một “vựa dầu” của thế giới.
“Địa chính trị ở Trung Đông vẫn căng thẳng, dẫn tới những bấp bênh an ninh xung quanh việc vận chuyển dầu và các hàng hoá khác”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nói với Reuters.
Các hãng vận tải đã chuyển hướng hành trình của tàu bè đi qua Biển Đỏ, nên nguồn cung dầu về cơ bản chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng lên. Biển đỏ nối với kênh đào Suez, một tuyến vận tải biển huyết mạch chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ mối lo về sự dư thừa của nguồn cung dầu trên toàn cầu trong năm 2024, khi Mỹ và một số quốc gia khác đang khai thác dầu nhiều chưa từng thấy, mà nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới được dự báo sẽ tăng chậm lại do kinh tế giảm tốc.