Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/8), hồi phục một phần điểm bị mất vào tuần trước, trong bối cảnh nhà đầu tư điều chỉnh danh mục trước khi đón nhận báo cáo lạm phát tháng 7 dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô tụt khỏi mức cao nhất của 4 tháng do một vài mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Mỹ và Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 407,51 điểm, tương đương tăng 1,16%, chốt ở 35.473,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,9%, đạt 4518,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,61%, đạt 13.944,4 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ hôm 15/6. Cả S&P 500 và Nasdaq đều kết thúc chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Động lực cho phiên tăng này chủ yếu là mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Đến thời điểm này đã có gần 85% doanh nghiệp thành viên S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 2. Trong số đó, gần 80% đạt kết quả vượt dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.
“Tin tốt là tình trạng suy thoái lợi nhuận có thể đã đến hồi kết, và tăng trưởng lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới đây. Nhìn về thời gian tới, chúng tôi thấy các dự báo lợi nhuận có vẻ hơi cao nếu so với dự báo về tăng trưởng doanh thu, nhất là bắt đầu từ quý 1/2024”, Giám đốc đầu tư Dylan Kremer của Certuity nhận định với hãng tin CNBC.
Số liệu kinh tế được Phố Wall mong chờ nhiều nhất trong tuần này là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Báo cáo này sẽ là một “bài kiểm tra” đối với niềm tin của giới đầu tư về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế học được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo CPI tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu lạm phát cũng sẽ là một chỉ báo quan trọng cho đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm do nhà đầu tư chốt lời sau mấy tháng tăng liên tiếp. Cổ phiếu bị xả khi thị trường cảm thấy lo ngại về các số liệu kinh tế - nhất là báo cáo việc làm tháng 7 - củng cố khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, cộng thêm một số báo cáo tài chính không đạt kỳ vọng, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Theo một bài báo vào tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, một thành viên có quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, nói rằng lãi suất có thể bắt đầu giảm từ đầu năm 2024. Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman nói rằng cần phải tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh. S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - đã tăng 17,7% kể từ đầu năm, với động lực chủ yếu là niềm lạc quan về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và những tia hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Tôi nhận thấy đang có nhiều nhà đầu tư muốn mua thêm cổ phiếu, vì họ thực sự đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong đợt tăng này. Điều đó sẽ hạn chế khả năng giảm của thị trường trong mỗi đợt chốt lời”, chiến lược gia trưởng về danh mục đầu tư của Natixis Investments Managers, ông Jack Janasiewicz, nói với hãng tin Reuters.
Theo vị chiến lược gia này, thị trường có thể di chuyển ngang trong ngắn hạn, vì hoạt động chốt lời của những nhà đầu tư vào tiền sớm sẽ được cân bằng bởi dòng tiền mới nhảy vào bắt đáy.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,9 USD/thùng, tương đương giảm 1,04%, chốt phiên đầu tuần ở mức 85,34 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm 1,06%, còn 81,94 USD/thùng.
Trước phiên giảm này, giá dầu đã có 6 tuần tăng liên tiếp. Giới phân tích cho rằng áp lực giảm đối với giá dầu đang gia tăng, khi mùa lái xe cao điểm trong những tháng hè ở Mỹ đang dần khép lại. Thêm vào đó là nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn dự báo của Trung Quốc.
“Câu chuyện kinh tế Trung Quốc đang là trở ngại lớn nhất trên thị trường dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định, nhấn mạnh sự suy giảm của hoạt động du lịch ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Mùa lái xe cao điểm ở Mỹ sắp qua rồi. Nếu bạn không cần nhiều xăng nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là nhu cầu dầu giảm xuống”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau của Mizuho Securities USA, ông Robert Yawger, nói.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tuần trước đã gia hạn việc cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 9 và cho biết sẽ có những đợt cắt giảm tiếp theo nhằm hỗ trợ giá dầu.
Để phù hợp với việc cắt giảm sản lượng, hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco hôm thứ Bảy đã tăng giá bán chính thức đối với hầu hết các loại dầu mà họ bán sang châu Á trong tháng 9. Đây là tháng thứ ba liên tiếp Aramco tăng giá bán dầu đối với khách châu Á.
Về phần mình, Nga khiến nguồn cung dầu bị siết chặt thêm bằng thông báo vào tuần trước rằng nước này sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Tuần này, ngoài báo cáo CPI của Mỹ, giới đầu tư dầu lửa sẽ quan tâm nhiều đến các số liệu kinh tế Trung Quốc, xem đây như căn cứ để xác định Bắc Kinh sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ tới mức nào để kích cầu.
Dù giảm phiên này, giá dầu WTI đã tăng 1% từ đầu tháng tới nay, trên đà đạt tới tháng tăng thứ ba liên tiếp. Trong tháng 7, giá dầu WTI tăng hơn 15%.