Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/5), khi các nhà đàm phán của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ tạm dừng cuộc đàm phán trần nợ - một diễn biến làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng trần nợ sớm được nâng. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 đã hoàn tất tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3.
Giá dầu thô cũng giảm trong phiên ngày thứ Sáu vì mối lo Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ, dẫn tới suy thoái kinh tế và suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 109,28 điểm, tương đương giảm 0,33%, còn 33.426,63 điểm. S&P 500 giảm 0,14%, còn 4.191,98 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,24%, còn 12.657,9 điểm.
Cả ba chỉ số cùng có một tuần tăng điểm. S&P 500 tăng 1,65% và Nasdaq tăng 3,04%, đánh dấu tuần tăng điểm tốt nhất của hai chỉ số trong vòng 2 tháng trở lại đây. Thành quả tăng của Dow Jones trong tuần là 0,38%.
Phần lớn mức tăng của chứng khoán Mỹ trong tuần này đến từ phiên ngày thứ Năm, khi các nhà giao dịch tin tưởng hai đảng Dân chủ và Cộng hoà sẽ sớm đạt được một thoả thuận nâng trần nợ để tránh một vụ vỡ nợ lịch sử của Washington. Những phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, một nhân vật chủ chốt của Đảng Cộng hoà, được xem như tín hiệu rằng các bên sẽ đạt thoả thuận vào tuần tới.
Tuy nhiên, tâm trạng của nhà đầu tư lại trở nên bi quan trong phiên ngày thứ Sáu, khi phe Cộng hoà rút khỏi một cuộc gặp về trần nợ. Nghị sỹ Cộng hoà Garret Graves, một nhà đàm phán trần nợ, cáo buộc Nhà Trắng đưa ra những luận điểm “phi lý”. “Chúng tôi sẽ không ngồi lại đây và tự nói với chính mình”, ông nói.
Dù vậy, sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức, Đảng Cộng hoà đã chấp nhận nối lại cuộc đàm phán trần nợ - một diễn biến giúp giải toả lo lắng cho nhà đầu tư.
Mức giảm của các chỉ số trong phiên ngày thứ Sáu cũng được hạn chế nhờ phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Xuất hiện tại một sự kiện, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói rằng lãi suất có thể sẽ không phải tăng nhiều như kỳ vọng để đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
“Thị trường đã có một tuần khá tích cực, chủ yếu nhờ tâm trạng lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ. Phiên ngày hôm nay gặp trở ngại một chút khi cuộc đàm phán bị tạm dừng. Tôi không cho rằng mọi chuyện như thế là chấm hết, nhưng sự bấp bênh về trần nợ có thể còn khiến nhà đầu tư bán ra”, chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Financial nhận định với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,28 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 75,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,25 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 71,69 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá cả hai loại dầu đều tăng trong tuần này, đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong vòng 1 tháng, với mức tăng khoảng 2%.
Tương tự như giá cổ phiếu ở Phố Wall, giá dầu trong phiên này chịu áp lực giảm từ việc phe Cộng hoà dừng đàm phán trần nợ, nhưng đà giảm được hạn chế nhờ tín hiệu lãi suất tích cực từ Chủ tịch Fed.
Thị trường cũng được nâng đỡ bởi lời trấn an từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. Theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, trong một cuộc gặp với các CEO ngân hàng vào ngày thứ Năm, bà Yellen đã tái khẳng định rằng hệ thống ngân hàng Mỹ đang trong trạng thái khoẻ mạnh.
Do lạm phát ở Mỹ còn cao và nền kinh tế còn vững, đặc biệt là thị trường việc làm, giới đầu tư đang tăng đặt cược vào khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Một đợt tăng lãi suất nữa của Fed có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng National Australia Bank cho rằng giá dầu vẫn có thể tăng nhờ triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay.
Số liệu công bố tuần này cho thấy mức tiêu thụ dầu thô làm đầu vào của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã tăng 18,9% trong tháng 4, đạt mức cao thứ nhì từ trước đến nay. Các nhà máy lọc dầu ở nước này vẫn đang hoạt động mạnh để đáp ứng sự hồi phục của nhu cầu xăng dầu trong nước sau khi dỡ bỏ hạn chế chống Covid, đồng thời xây dựng dự trữ trước khi bước vào giai đoạn tiêu thụ xăng dầu cao điểm trong mùa hè.