Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/6), khi số liệu kinh tế tốt xoa dịu mối lo về suy thoái kinh tế nhưng làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Giá dầu tăng nhẹ sau một phiên giằng co do tác động trái chiều từ lãi suất cao và khả năng thắt chặt nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 269,76 điểm, tương đương tăng 0,8%, đạt 34.122,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,45%, đạt 4.396,44 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq đi ngang ở mức 13.591,33 điểm.
Tài chính là nhóm cổ phiếu dẫn đầu phiên tăng điểm này, sau khi bài kiểm tra sức ép tài chính của Fed cho thấy các ngân hàng Mỹ có đủ vốn để vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm trong tuần trước. Đồng thời, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ trong quý 1 cũng được điều chỉnh tăng mạnh trong lần báo cáo cuối cùng. Những số liệu này phản ánh sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ và củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần, thậm chí có thể tăng 2 lần nữa, trong năm nay.
“Sức mạnh được duy trì của nền kinh tế đã mang lại cho Fed sự rảnh tay để duy trì việc tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái”, Giám đốc đầu tư Joseph Sroka của công ty NovaPoint nhận định với hãng tin Reuters. “Tăng trưởng kinh tế duy trì tốt và thị trường đang lạc quan rằng nếu nền kinh tế suy yếu, Fed sẽ có dư địa để phản ứng”.
Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 87% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 7 - theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 vì khả năng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian lâu hơn.
Trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc đầu tư Stephanie Lang của công ty Homrich Berg, nói rằng thị trường đang bị giằng co giữa một bên là kịch bản kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và một bên là sự cứng rắn của Fed.
“Các dữ liệu kinh tế đều mạnh, nhưng Fed sẽ tiếp tục gây bất ngờ về việc họ sẽ thắt chặt đến đâu. Fed đã nói rõ là chống lạm phát vẫn là ưu tiên chính, và họ có thể đạt được mục tiêu đó mà không khiến kinh tế sụt tốc vì thị trường lao động vẫn còn mạnh. Nhưng ai cũng hiểu rằng Fed sẽ thắt chặt đến mức nền kinh tế suy yếu để áp lực lạm phát giảm bớt”, bà Lang nói.
Sự chú ý của thị trường đang hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Chỉ số này là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và có ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết sách của Fed.
Giới chuyên gia dự báo PCE lõi tháng 5 tăng 0,3% so với tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này được dự báo tăng 4,7%, bằng với mức tăng của tháng 4.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,43%, đạt 69,86 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,42%, chốt ở 74,34 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhờ số liệu khả quan của kinh tế Mỹ và thống kê tuần này cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Hôm thứ Tư, giá dầu tăng khoảng 3%, sau khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, vượt xa mức dự báo giảm 1,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, nỗi lo rằng lãi suất tăng có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu.
“Các nhà giao dịch dầu lửa vẫn đang bị giằng co giữa một bên là lãi suất tăng và mối lo suy thoái, với một bên là nhu cầu đi lại gia tăng và nguồn cung dầu suy giảm”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận định với Reuters.
Sức ép giảm giá đối với dầu còn đến từ dòng số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Lợi nhuận tại các doanh nghiệp công nghiệp ở nước này đã giảm ở mức 2 con số trong 5 tháng đầu năm nay, do nhu cầu suy giảm khiến biên lợi nhuận sa sút.
“Triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu đã hạn chế mức tăng của giá dầu, ngay cả khi các nước sản xuất dầu giảm sản lượng”, CEO Tetsu Emori của Emori Fund Management nhận định.
Để vực dậy giá dầu, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, bổ sung thêm vào các kế hoạch giảm sản lượng mà liên minh OPEC+ đã có trước đó.