Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/9), hoàn tất một tuần biến động dưới áp lực từ mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn. Giá dầu thô cũng đi xuống do lo ngại rằng lãi suất cao sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, dù được hỗ trợ bởi lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 106,58 điểm, tương đương giảm 0,31%, còn 33.963,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,23%, còn 4.320,06 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,09%, còn 13.211,81 điểm.
Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số, chuỗi phiên giảm diễn ra khi nhà đầu tư phản ứng với tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng ngân hàng trung ương này có ý định giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát.
Tính cả tuần, S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 2,9% và 3,6%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 của mỗi chỉ số. Dow Jones mất 1,9% trong tuần này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh sau khi Fed để ngỏ khả năng còn tăng lãi suất thêm 1 lần trong năm nay. Trong tuần, có lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ 2007 còn lợi suất của kỳ hạn 2 năm đạt cao nhất kể từ 2006.
“Điều này khiến một số nhà đầu tư sửng sốt. Nhà đầu tư đang phải làm quen với mức lãi suất cao hơn và ý nghĩa của lãi suất cao hơn đối với các tài sản rủi ro trong thời gian tới”, chiến lược gia cấp cao Charlie Ripley của công ty quản lý đầu tư Allianz Investment Management nhận định với hãng tin CNBC.
Ngoài ra, thị trường còn bất an khi Chính phủ Mỹ lại đang đối mặt nguy cơ đóng cửa vì Quốc hội Mỹ chưa đạt thoả thuận về gia hạn ngân sách trước thời hạn 30/9, mà Thượng viện lại đang nghỉ. Một vụ đóng cửa Chính phủ có thể gây sứt mẻ niềm tin người tiêu dùng và khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc giữa lúc lãi suất và lạm phát còn đang cao.
“Nhà đầu tư đang lo về nguy cơ Chính phủ đóng cửa. Thị trường đang chờ xem liệu bao giờ một sự kiện như vậy có thể xảy ra, và sẽ kéo dài trong bao lâu”, nhà quản lý Jamie Cox của Harris Financial Phát biểu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,03 USD/thùng, chốt phiên ở 93,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,4 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 90,03 USD/thùng.
Tuần này, giá dầu Brent giảm 0,3% và giá dầu WTI giảm 0,03%, gián đoạn chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp.
Đầu tuần, giá dầu đạt mức cao nhất 10 tháng do nỗi lo về sự thắt chặt của nguồn cung trong bối cảnh Nga và Saudi Arabia kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, những tín hiệu lãi suất từ Fed đã khiến giá dầu quay đầu giảm vì nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ gây áp lực giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.
Hôm thứ Năm, Nga bất ngờ tuyên bố dừng ngay lập tức và vô thời hạn việc xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu sang các quốc gia ngoài các nước Liên Xô cũ để bình ổn thị trường trong nước. Động thái này hỗ trợ giá dầu, giúp giá “vàng đen” cân bằng lại áp lực từ triển vọng lãi suất.
“Nhà đầu tư trên thị trường dầu đang nghĩ đến sự suy yếu của nhu cầu trong tháng 10, thời điểm các nhà máy lọc dầu bảo trì, và việc lãi suất tăng đè nặng”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận định. Cũng theo ông Kissler, giá dầu giảm tuần này còn do nhiều nhà đầu tư chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Trước khi giảm trong tuần này, giá dầu đã tăng hơn 10% trong 3 tuần.
Một báo cáo của RBC nhận định rằng lệnh cấm mà Nga vừa đưa ra sẽ “đem thêm sự bấp bênh tới thị trường toàn cầu của các sản phẩm lọc hoá vốn dĩ đã thắt chặt, đặt ra khả năng các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tìm cách giành giật các lô hàng từ các nhà cung cấp thay thế”.
Sau khi lệnh cấm của Nga được công bố, giá bán buôn xăng ở nước này giảm gần 10% và giá bán buôn dầu diesel giảm 7,5% trong phiên ngày thứ Sáu, theo dữ liệu từ Sàn giao dịch hàng hoá quốc tế St. Petersburg.