Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi các nhà giao dịch tràn trề hy vọng rằng Quốc hội nước này sẽ đạt một thoả thuận để nâng trần nợ quốc gia, ngăn chặm một vụ vỡ nợ lịch sử.
Giá dầu thô cũng có một phiên tăng nhờ lạc quan này, dù thị trường còn đôi chút băn khoăn trước những tín hiệu trái chiều từ Nga và Saudi Arabia trước thềm cuộc họp sản lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 328,69 điểm, tương đương tăng 1%, chốt ở mức 33.093,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3%, đạt 4.205,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,2%, chốt ở 12.975,69 điểm.
Cổ phiếu Intel và American Express tăng tương ứng 5,8% và 4,1%, dẫn dắt Dow Jones đi lên. Nhóm công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu trong S&P 500 tăng hơn 2% mỗi nhóm.
Tuần này là tuần tăng thứ năm liên tiếp của Nasdaq, với mức tăng 2,5%. S&P 500 cũng hoàn tất một tuần tăng điểm, với thành quả tăng là 0,3%. Dow Jones là chỉ số đuối sức trong tuần này, giảm 1% điểm số.
Các nhà đàm phán của Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiến gần tới một thoả thuận để nâng trần nợ Mỹ trong vòng 2 năm. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng cuộc đàm phán vào đêm ngày thứ Năm đã đạt tiến bộ, nhưng nói thêm rằng: “Chúng tôi cần có thêm bước tiến”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng. Trong lá thư mới nhất gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen lùi thời hạn mà cơ quan này có thể hết tiền sang ngày 5/6, đồng nghĩa các nhà đàm phán sẽ có thêm 4 ngày để giải quyết vấn đề trần nợ trước khi vỡ nợ có thể xảy ra.
“Bây giờ, chúng tôi ước tính rằng Bộ Tài chính sẽ không còn đủ nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ nợ của Chính phủ nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ trần nợ trước ngày 5/6”, bà Yellen viết trong lá thư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sau khi vấn đề trần nợ được giải quyết, thị trường sẽ phải quay trở lại với thực tế khắc nghiệt là chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Việc thắt chặt có thể sẽ không kết thúc trước cuối mùa hè năm nay, và điều đó có nghĩa là chúng ta có thể được hưởng những đợt giảm lãi suất lớn hơn vào năm tới”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát trong tháng 4 cao hơn dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed đồng nghĩa ngân hàng trung ương này sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng thời gian gần đây của thị trường.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 76,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,84 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 72,67 USD/thùng.
Cả tuần, giá cả hai loại dầu đều tăng tuần thứ hai liên tiếp, với mức tăng 1,7% của dầu Brent và 1,6% của dầu WTI.
Tuy được hỗ trợ bởi lạc quan về trần nợ, giới đầu tư dầu lửa đang lo ngại về khả năng Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Hôm thứ Năm, giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak bác bỏ khả năng OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu tại cuộc họp diễn ra ở Vienna vào ngày 4/6. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Nga nghiêng về giữ nguyên sản lượng dầu vì đã hài lòng với mức giá và sản lượng hiện nay.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Ngược lại, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, trước đó trong tuần này cảnh báo các nhà bán khống dầu là “hãy chờ xem” - được cho là một tín hiệu rằng OPEC+ sẽ giảm thêm sản lượng.
Reuters cho biết đặt cược vào sự giảm giá của dầu thô đã tăng lên trong thời gian gần đây. “Tôi cho là các nhà giao dịch sẽ thận trọng trước cuộc họp vào tuần tới của OPEC”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.
Thời gian tới, giá dầu sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ xăng trong mùa lái xe cao điểm ở Mỹ, bắt đầu với kỳ nghỉ Ngày Tưởng niệm vào 27-29/5.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát dai dẳng ở châu Âu sẽ gây áp lực giảm lên giá dầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot nói rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần ít nhất thêm 2 đợt tăng lãi suất với mức tăng 0,25 điểm phần trăm mỗi lần.