Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/5), khi cổ phiếu ngân hàng hồi phục và cổ phiếu Apple xanh rực sau kết quả kinh doanh quý 1 vượt kỳ vọng. Giá dầu tăng 4% nhưng hoàn tất tuần giảm thứ ba liên tiếp do nỗi lo lãi suất tăng và khủng hoảng ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 546,64 điểm, tương đương tăng 1,65%, chốt ở 33.647,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,85%, đạt 4.136,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,2%, đạt 12.235,41 điểm.
Dù tăng mạnh phiên này, Dow Jones và S&P 500 có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3. Dow Jones - chỉ số với thành viên là 30 cổ phiếu bluechip - mất 1,24% trong tuần này, trong khi S&P 500 giảm 0,8%. Nasdaq hoàn tất một tuần giao dịch với mức tăng nhẹ 0,07%.
Sắc xanh đã trở lại với bảng điện tử ở Phố Wall sau 4 phiên bán tháo liên tiếp, bất chấp số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy thị trường việc làm ở nước này mạnh hơn kỳ vọng - một điểm dữ liệu có thể dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Theo báo cáo, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 253.000 công việc mới trong tháng 4, vượt xa mức dự báo trước đó của giới phân tích là 180.000 công việc mới.
Hãng công nghệ Apple công bố báo cáo tài chính quý 1 vào cuối ngày thứ Năm, cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng nhờ doanh số iPhone tăng trưởng khả quan. Sự hứng khởi của nhà đầu tư về kết quả này đưa giá cổ phiếu Apple tăng 4,7% trong phiên ngày thứ Sáu.
Loạt cổ phiếu ngân hàng hồi phục sau mấy phiên bán tháo liên tiếp. Cú huých cho các cổ phiếu này đến từ một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ đối với Western Alliance, Zions Bancorp và Comerica. JPMorgan Chase nói 3 cổ phiếu ngân hàng khu vực này có vẻ “đang bị định giá quá thấp”, một phần do hoạt động bán khống.
Cổ phiếu quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF chuyên đầu tư cổ phiếu ngân hàng khu vực tăng hơn 6%. Cổ phiếu PacWest - ngân hàng bị bán tháo trong tuần này do nỗi lo sụp đổ - tăng 81,7%. Tương tự, cổ phiếu Western Alliance tăng 49,2%.
Tuần này chứng kiến nỗi sợ hãi gia tăng ở Phố Wall, khi nhà đầu tư lo sẽ có thêm những nhà băng nữa đổ vỡ sau loạt 4 ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank nối gót nhau “sập tiệm” trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Bất chấp phiên phục hồi này, chiến lược gia trưởng Liz Young của SoFi không cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực Mỹ đã khép lại. “Khi chu kỳ tin tức bắt đầu, người ta cố gắng giải thích rằng đây là những trường hợp cá biệt. Nhưng thực tế là thanh khoản đang là một thách thức đối với toàn bộ hệ thống”, bà Young nói với hãng tin CNBC.
“Vấn đề căn bản là đã xảy ra sự tháo chạy của tiền gửi… Nhưng giờ đây, áp lực không hẳn là tiền gửi tháo chạy nữa, mà là thị giá của các chứng khoán trong sổ sách của các ngân hàng. Nên tôi không cho rằng chu kỳ tin tức này đã qua”, bà Young nói thêm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,8 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%, chốt ở 75,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,78 USD/thùng, tương đương tăng 4,1%, chốt ở 71,34 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá cả hai loại dầu đã giảm liền 4 phiên, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 5,3% và giá dầu WTI mất 7,1%, đánh dấu chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11.
“Giá dầu thô đang cố gắng phục hồi sau đợt bán tháo gần đây. Nguyên nhân của bán tháo là nỗi lo về lãi suất tăng và khủng hoảng ngân hàng, những yếu tố có thể dẫn tới suy thoái kinh tế”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của BOK Financial nhận định.
Đối với một số nhà phân tích, các yếu tố nền tảng trên thị trường dầu vật chất đang mạnh hơn so với những gì được phản ánh quá giá dầu giao sau. “Thay vì các yếu tố nền tảng, sự bán tháo dầu trong tuần qua chủ yếu do mối lo về nhu cầu xuất phát từ rủi ro suy thoái và áp lực trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Đang có một sự mất kết nối giữa cân bằng cung-cầu dầu và giá dầu”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nói với hãng tin Reuters.
Theo ngân hàng Commerzbank, mối lo về nhu cầu dầu đã bị thổi phồng và giá dầu có thể phục hồi mạnh sau vài tuần tới.
Số liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ đã giúp giải tỏa những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề. Tuy nhiên, thị trường vẫn tin tưởng rằng rủi ro đến từ cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ dẫn tới việc Fed dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Ngoài ra, thị trường còn đang khấp khởi kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp tháng 6 - theo nhà phân tích Kelvin Wong của Oanda. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.