Thị trường chứng khoán Mỹ và vàng cùng bán tháo vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/4) tại Mỹ, còn tỷ giá đồng USD tăng chóng mặt, sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo cho thấy lạm phát tăng tốc trong tháng 3. Điểm dữ liệu này dập tắt những hy vọng còn lại về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm cắt giảm lãi suất, gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính.
Theo báo cáo nói trên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,4% trong tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức tăng của tháng 2, mức tăng CPI tháng 3 cao hơn 0,3 điểm phần trăm. Các mức tăng này cũng cao hơn so với dự báo của giới chuyên gia: trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo mức tăng 0,3% so với tháng trước và 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
CPI lõi - thước đo lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, đều cao hơn so với dự báo là tăng tương ứng 0,3% và 3,7%.
Phản ứng với báo cáo trên, chứng khoán Mỹ vừa mở cửa đã chìm sâu trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones lúc khoảng 20h30 theo giờ Việt Nam “bốc hơi” gần 440 điểm, tương đương giảm hơn 1,1%. Chỉ số S&P 500 mất hơn 1,1% và chỉ số Nasdaq sụt gần 1,3% - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.
Các nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng bán tháo, khiến giá vàng giảm sâu từ mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào phiên trước. Giá vàng giao ngay tại thị trường New York lúc khoảng 20h30 theo giờ Việt Nam sụt 26,5 USD/oz so với đóng cửa phiên hôm trước, tương đương giảm hơn 1,1%, còn mức 2.327,4 USD/oz.
Bán tháo cũng là xu thế trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá giảm mạnh khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt qua mức chủ chốt 4,5%.
Trong khi đó, triển vọng Fed phải giữ lãi suất cao hơn để chống lại sự dai dẳng của lạm phát tiếp sức cho đồng USD, đưa chỉ số Dollar Index nhảy lên ngưỡng 104,9 điểm, tăng hơn 0,7% so với mức đóng cửa của phiên trước.
Báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo được đưa ra đúng vào lúc thị trường đang bất an vì một số quan chức Fed gần đây bày tỏ quan điểm thận trọng về đường đi của chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
Trong các phát biểu vào tuần trước, cả Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác của ngân hàng trung ương này đều kêu gọi kiên nhẫn trong vấn đề hạ lãi suất, nói rằng chưa nhận thấy có đủ bằng chứng về việc lạm phát đang giảm vững về mục tiêu 2%. Báo cáo CPI vừa công bố có thể củng cố thêm mối lo rằng lạm phát ở Mỹ đang “cứng đầu” hơn so với những gì mà giới chuyên gia, đầu tư và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể lường trước.
Ngay sau khi bản báo cáo được đưa ra, thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng chỉ 21% Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6, giảm từ mức 56% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
“Những số liệu mới này ủng hộ Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, vì Chủ tịch Powell gần đây nói ông ấy muốn có được sự tin tưởng chắc chắn hơn rằng lạm phát đang thực sự giảm về mục tiêu 2%. Số liệu ngày hôm nay không mang lại sự tin tưởng như thế”, Giám đốc phụ trách mảng trái phiếu của công ty Key Wealth, ông Rajeev Sharma, nhận định với CNBC.
Cũng theo FedWatch Tool, kỳ vọng về đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed đã bị đẩy lùi tới tháng 9.
“Với lạm phát như thế này, chẳng ai dám nghĩ là Fed sẽ dịch chuyển khỏi khuynh hướng cứng rắn hiện nay của họ. Đối với tôi, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 đã không còn”, chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của ngân hàng đầu tư Charles Schwab nói với CNBC.
Fed cũng đã kỳ vọng lạm phát giá dịch vụ dịu đi trong năm nay, nhưng trên thực tế, lạm phát ở nhóm này cũng dai dẳng. Không bao gồm mục năng lượng, chỉ số giá dịch vụ tháng 3 tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
“Đây là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát nóng lên, đồng nghĩa rằng câu chuyện về sự chững lại của tiến trình giảm lạm phát không còn là tạm thời nữa rồi. Trên thực tế, ngay cả khi lạm phát có giảm nhiệt vào tháng tới, thì Fed vẫn có thể đủ thận trọng để không giảm lãi suất vào tháng 7. Và đến lúc đó thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến việc ra quyết sách của Fed”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty quản lý tài sản Principle Asset Management phát biểu.