Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 6 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/1) bất chấp cổ phiếu Tesla sụt mạnh, nhờ số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng trong khi lạm phát duy trì xu hướng giảm. Cũng nhờ bức tranh kinh tế Mỹ khả quan, giá dầu nhảy hơn 3%.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,53%, chốt ở mức kỷ lục 4.894,16 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 242,74 điểm, tương đương tăng 0,64%, chốt ở 38.049,13 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 15.510,5 điểm.
Gây áp lực giảm chủ yếu lên Nasdaq phiên này là cổ phiếu Tesla. Hãng xe điện Mỹ chứng kiến giá cổ phiếu giảm 12%, phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 với lợi nhuận không đạt kỳ vọng và cảnh báo về khả năng giảm tốc trong năm 2024.
Dù tăng đuối hơn hai chỉ số còn lại trong phiên này, Nasdaq vẫn đang là chỉ số có được thành quả tăng vượt trội trong tuần, với mức tăng từ đầu tuần đạt 1,3%. S&P 500 và Dow Jones đã tăng tương ứng 1,1% và 0,5% trong tuần.
Tính đến phiên này, cả S&P 500 và Nasdaq đều đã tăng 6 phiên liên tiếp, trong đó S&P 500 đã có 5 phiên liền lập kỷ lục - chuỗi dài nhất kể từ tháng 11/2021.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) nước này tăng trưởng 3,3% trong quý 4 vừa qua, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Kết quả này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục trụ vững bất chấp chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cả năm, kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 2,5%.
Bản báo cáo trên cũng bao gồm dữ liệu khả quan về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 2% trong quý 4, bằng mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra. Trong khi đó, PCE toàn phần chỉ tăng 1,7%.
“Đây là một bộ số liệu lành mạnh, gần giống như một trạng thái ‘vàng’ mà Fed muốn tìm kiếm: kinh tế tăng trưởng nhưng lạm phát không cao”, chiến lược gia Kevin Gordon của công ty Charles Schwab nhận định với hãng tin CNBC.
Bên cạnh đó, cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là một động lực đưa chứng khoán Mỹ đi lên. Cổ phiếu hãng phần mềm Microsoft tăng 0,6% trong phiên ngày thứ Năm, đóng cửa ở mức kỷ lục 404,9 USD/cổ phiếu, nâng giá trị vốn hoá thị trường qua mốc 3 nghìn tỷ USD. Như vậy, Mỹ hiện đang có 2 công ty có giá trị vốn hoá hơn 3 nghìn tỷ USD là Apple và Microsoft, và trên thế giới đến nay cũng mới chỉ có 2 công ty này đạt tới cột mốc vốn hoá như vậy.
Giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York tăng 2,27 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở mức 77,36 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 2,39 USD/thùng, tương đương tăng 2,99%, chốt ở 82,43 USD/thùng.
Sau khi giảm hơn 10% mỗi loại trong năm ngoái, giá dầu WTI hiện đã tăng 8% từ đầu năm đến nay và giá dầu Brent tăng 7%.
Theo chiến lược gia Matt Maley của công ty Miller Tabak, việc giá dầu WTI vượt mốc 76 USD/thùng là một dấu hiệu cho thấy xu hướng ngắn hạn của dầu là tăng. Chất xúc tác tiếp theo đối với giá dầu WTI sẽ xuất hiện nếu giá vượt được ngưỡng bình quân của 200 ngày là 77,65 USD/thùng - ông Maley cho biết.
Còn theo nhà quản lý danh mục Robert Thummel của công ty Tortoise, giá dầu WTI sẽ lên mức 85 USD/thùng nếu căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục leo thang.
Tuần này có nhiều thông tin hỗ trợ giá dầu. Ngoài rủi ro địa chính trị và số liệu GDP khả quan của Mỹ, giá dầu còn được nâng đỡ bởi động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Tư - biện pháp giải phóng gần 140 tỷ USD thanh khoản trong hệ thống ngân hàng của nước này để tăng cường cho vay.
Theo ông Maley, dù Chính phủ Trung Quốc chưa triển khai các biện pháp kích cầu mạnh như kỳ vọng, những chính sách mà Bắc Kinh công bố ít nhất cũng có thể ngăn đà suy yếu của nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước này.
“Hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới sẽ có mức cầu khá mạnh trong năm nay”, ông Thummel nhận định.
Các số liệu hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng có lợi cho giá dầu. Trong đó, lượng dầu thô tồn kho thương mại của Mỹ giảm 9,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/1. Sản lượng dầu thô của nước này giảm 1 triệu thùng/ngày, còn 12,3 triệu thùng ngày.