Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi số liệu việc làm tháng 4 yếu hơn dự báo củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm khởi động cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn giảm và hoàn tất tuần giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây trong bối cảnh tình hình Trung Đông bớt nóng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 450,02 điểm, tương đương tăng 1,18%, đạt 38.657,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,26%, chốt ở 5.127,79 điểm - đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Chỉ số Nasdaq tăng 1,99%, đạt 16.156,33 điểm.
Cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng. Dow Jones và Nasdaq tăng tương ứng 1,14% và 1,43% trong tuần, trong khi S&P 500 tăng 0,55%.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 175.000 công việc mới trong tháng 4, ít hơn nhiều so với con số dự báo có 240.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp nhích lên mức 3,9%, từ 3,8% của tháng trước. Số liệu tiền lương cũng yếu hơn dự báo - một dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng xuống thang của lạm phát.
“Bản báo cáo thực sự xoa dịu mối lo ngại của nhà đầu tư rằng nền kinh tế có thể đang quá nóng hoặc tăng tốc trở lại. Cùng với đó, những số liệu này làm dấy lên tia hy vọng về cắt giảm lãi suất”, đồng chiến lược gia trưởng về đầu tư của công ty John Hancock Investment Management, bà Emily Roland, nhận định với hãng tin CNBC.
“Đó là lý do vì sao lợi suất trái phiếu giảm, giá trái phiếu và cổ phiếu cùng tăng. Tin xấu đối với thị trường việc làm, nhưng mang tới tin tốt là Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay”, bà Roland nói.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, các nhà giao dịch tăng đặt cược vào khả năng Fed sẽ có 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay, thay vì 1 đợt như kỳ vọng trước đó. Thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng gần 50% Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm dưới 4,5% sau khi báo cáo trên được công bố.
Lợi suất giảm hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, trong đó cổ phiếu hai hãng chip Nvidia và AMD đều tăng hơn 3%. Cổ phiếu Microsoft và Meta Platforms tăng 2% mỗi cổ phiếu. Nhóm công nghệ thông tin thuộc S&P 500 chốt phiên với mức tăng hơn 3%.
Các báo cáo tài chính quý 1 khả quan cũng đóng góp nhiều vào phiên tăng này. Cổ phiếu Apple tăng gần 6% sau khi hãng điện tử khổng lồ công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu 110 tỷ USD và cả doanh thu lẫn lợi nhuận quý 1 đều tốt hơn kỳ vọng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 7 tại London giảm 0,71 USD/thùng, tương đương giảm 0,85%, còn 82,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 6 tại New York giảm 0,84 USD/thùng, tương đương giảm 1,06%, còn 78,11 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 7% và giá dầu WTI giảm 6,5%. Mối lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn là một “thủ phạm” đẩy giá dầu lao dốc tuần này. Phiên ngày thứ Sáu, mối lo lãi suất đã được giải toả phần nào sau báo cáo việc làm, nhưng giá dầu vẫn đi xuống do phần bù rủi ro từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đối với giá dầu tiếp tục giảm.
Cuộc họp sản lượng tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 1/6. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng OPEC+ sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện qua tháng 6 nếu nhu cầu dầu toàn cầu không tăng.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.