Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (26/1), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm loạt báo cáo tài chính mới nhất và thống kê cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Giá dầu thô cũng tăng mạnh nhờ số liệu kinh tế này và lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 1,76%, đạt 11.512,41 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,61%, đạt 33.949,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 4.060,43 điểm.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 2,9% trong quý 4 vừa qua. Con số này cao hơn mức dự báo tăng 2,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, nhưng giảm nhẹ so với số liệu của quý 3.
“Với số liệu GDP tốt hơn kỳ vọng, nhà đầu tư có thể đang nghĩ chúng ta chỉ phải đối mặt với một cuộc suy thoái tương đối nhẹ. Trên cơ sở đó, họ nghĩ thị trường chứng khoán sẽ không trượt sâu hơn nữa vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market)”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.
Loạt báo cáo tài chính được các công ty niêm yết công bố ngày thứ Năm tiếp tục cho thấy sự thiếu đồng nhất về tình hình kinh doanh trong quý 4 - chủ đề chính của mùa báo cáo này.
Kết quả khả quan của Tesla mang lại một cú huých cho chỉ số Nasdaq và nhóm cổ phiếu xe điện. Tesla đóng cửa với mức tăng gần 11%. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn bị bán mạnh thời gian qua như Microsoft, Nvidia, Amazon và Alphabet cũng tăng mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu IBM giảm khoảng 4,5% bất chấp kết quả kinh doanh khả quan.
Cổ phiếu Chevron tăng gần 5% nhờ giá dầu tăng mạnh và hãng dầu lửa này công bố chương trình mua lại cổ phiếu 75 tỷ USD.
Hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong phiên này còn là dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục xuống thang. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng – tăng 2,1% trong quý 4 vừa qua so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức tăng 2,3% ghi nhận trong quý 3.
Các số liệu kinh tế quan trọng này được công bố ngay trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đầu tiên trong năm 2023 của Fed, dự kiến diễn ra vào tuần tới.
“Thị trường đang phản ánh vào giá các tài sản khả năng Fed xoay trục chính sách, tin rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quản lý tài sản James Ragan của công ty DA Davidson nhận định. Tuy nhiên, ông Ragan cho rằng nhiều khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu dịch chuyển nào khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư tuần tới.
“Điều mà ông Powell đã cố gắng nhiều trong thời gian qua để kiềm chế là kỳ vọng của thị trường về việc giảm lãi suất. Nhưng Fed đã sẵn sàng để tạm dừng việc tăng lãi suất và giữ nguyên lãi suất ở một mức nhất định trong một khoảng thời gian nhất định”, ông Ragan nói với hãng tin Reuters.
Số liệu từ thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 94,7% Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới và lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) sẽ ở mức 4,45% trước tháng 12 năm nay, thấp hơn so với mức kỳ vọng 5,1% mà quan chức Fed đưa ra - đồng nghĩa thị trường tin Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay.
Dù vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn tăng phiên này do thị trường tin rằng sự vững vàng của nền kinh tế sẽ khiến Fed còn duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn trong những tháng sắp tới để lạm phát thực sự được khống chế. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 3,6 điểm cơ bản, lên mức 3,498%.
“Nhìn tổng thể, dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo cho thấy nền kinh tế vững vàng hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, số liệu lạm phát cũng khả quan hơn kỳ vọng. Tất cả mang đến một kịch bản tốt”, nhà phân tích Joe Manimbo của công ty Convera nhận xét.
Với quan điểm thận trọng, Giám đốc đầu tư David Bahnsen của The Bahnsen Group cho rằng giá cổ phiếu vẫn chưa thực sự rẻ để mua vào. “Nhà đầu tư không nên rằng thị trường đã dễ dàng trở lại. Tôi nghĩ mọi người chưa nên vội vã dấn thân vào những rủi ro thái quá”, ông nói.
Trước phiên Mỹ, chứng khoán châu Á và châu Âu cùng tăng điểm. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,1%, đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp và đạt mức cao nhất 7 tháng. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,42%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,35 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 87,47 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 81,01 USD/thùng.
“Giá dầu đã nhận được một cú huých từ dữ liệu GDP khả quan của Mỹ”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định về phiên tăng này của giá dầu.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng củng cố triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu. “Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ cuộc họp sắp tới của nhóm OPEC+ và lệnh cấm vận mà châu Âu sắp thực thi đối với các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga”, ông nói.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Liên minh này sẽ họp về vấn đề sản lượng vào ngày 1/2. Các nguồn thạo tin tiết lộ OPEC+ sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng trong lần họp này.
Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng nhỉnh hơn 2% một chút trong năm nay. Dự báo ảm đạm này trái ngược với sự lạc quan trên thị trường tài chính từ đầu năm đến nay.
Sự lạc quan đó thể hiện qua việc chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất một tuần tăng điểm và một tháng tăng điểm. Dow Jones và S&P 500 đã tăng tương ứng 1,7% và 2,2% trong tuần này. Nasdaq đã tăng 3,3% trong tuần này và đang tiến tới hoàn thành tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7.