Thông tin chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8 và ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm phần nào tạo đà tâm lý tốt cho các nhà đầu tư tham gia phiên giao dịch hôm nay. Ngay khi mở cửa, chỉ số chính tăng liền 3 điểm. Trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trước đó, dòng tiền vào thị trường đã sụt giảm tới một phần ba, tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm tới 35% so với sáng hôm qua. Cùng áp lực bán đã chặn đứng đà tăng của hầu khắp các chỉ số, khiến VN-Index liên tục giao dịch trong giằng co.
Đến nửa cuối phiên sáng, VN-Index mới dần hồi lại nhờ một số cổ phiếu có vốn hóa lớn dẫn dắt, tạm kết phiên sáng tăng nhẹ gần 3 điểm. Tuy nhiên, tại phiên chiều thị trường giao dịch càng xấu dần, dấu hiệu chốt lời tăng cao. VN-Index liên tục giằng co, nhiều lần đẩy chỉ số xuống dưới tham chiếu.
Đến khoảng 14h20 ngay sau nhịp giảm sâu nhất trong ngày 1.063 điểm, VN-Index đã dần hồi phục. Nhưng dù lực bán không còn mạnh, song bên mua cũng không hào hứng khiến chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,20 điểm thoát phiên.
Kết phiên giao dịch, VN-Index xanh nhẹ 0,20 điểm (+0,02%) tại 1.065,91 điểm. HNX-Index cũng thêm 0,29 điểm (+0,14%) đứng ở 214,62 điểm. UPCOM-Index tích lũy thêm 0,18 điểm (+0,22%) lên 80,66 điểm.
Khối cổ phiếu có vốn hóa lớn VN30 là tác nhân gây sức ép lên thị trường khi có đến 13 mã giảm giá, đa phần rơi vào các mã chủ lực của thị trường như VIC, VPB, MSN,… chỉ riêng VIC phiên này đã quay đầu giảm mạnh lấy đi của chỉ số 1,4 điểm. Trong khi, cả hai siêu trụ VCB và VHM chỉ thu về 1,5 điểm.
Dòng tiền hôm nay là tác nhân chính khiến thị trường giằng co không thể bật tăng mạnh. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đã giảm 2.000 tỷ đồng so với phiên trước còn 13,3 nghìn tỷ đồng. Trên sàn HoSE giá trị giao dịch xuống còn 11,2 nghìn tỷ đồng với 681,3 triệu đơn vị cổ phiếu sang tay trong phiên.
Mặt khác, khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khoảng 22 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng với giá trị 25,5 tỷ đồng. Chiều bán, KBC và CTG chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối này với giá trị 43 tỷ đồng; theo sau VNM, DPM, BMI cũng bị bán ròng mạnh hàng chục tỷ đồng mỗi mã.
Ngược lại, cổ phiếu HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VRE xếp sau với 35 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng mua ròng VHM, PVD, VIC với giá trị dưới 30 tỷ đồng mỗi mã.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá ảm đạm khi đa phần biến động với biên độ hẹp dưới 1% với 10 mã tăng giá, 1 mã tham chiếu trên 9 mã giảm giá. Một số mã biến động tích cực như STB +1,48%, VCB +0,98%, SHB +0,87%,… trong khi VPB -1,01%, SSB -1,46%, MSB -1,22%,…
Ở nhóm bất động sản, VIC giảm tới 2,76% sau phiên tăng mạnh trước đó. Sắc đỏ và xanh khá cân bằng với 30 mã tăng giá, 1 mã kịch trần BII, 12 mã tham chiếu trên cho 35 mã giảm giá. VHM +0,97%, NVL +1,11%, DIG +3,96%, NLG +1,06%, DXG +2,47%,… nổi bật tăng mạnh nhất trong nhóm.
Nhóm ngành điện hưởng ứng sau thông tin chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8, trong nhóm POW +1,5%, S4A +1,4%, SBA +0,82%, DTK +1%,… nhưng nhìn chung trong nhóm này sức tăng cũng không quá tích cực khi nhiều mã còn lại vẫn đứng tại tham chiếu hoặc giảm giá như PGV -0,65%, PPC -0,32%,…
Ở nhóm sản xuất, sắc đỏ áp đảo. Trong khi VNM +1,01% thì HPG -0,45%, SAB -0,67%, MSN -1,08%, GVR -0,93%. Gây chú ý nhất là DBC khi chốt phiên với giá trần.