BVSC định giá cổ phiếu DBD với giá mục tiêu là 53.800 đồng/cp
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) hiện đang giữ vị thế số 1 về sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam. DBD là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thuốc điều trị ung thư với hơn 20 loại hoạt chất khác nhau. Đáng chú ý DBD có những sản phẩm thuốc điều trị ung thư chiếm đến 80% thị phần về sản lượng.
Được biết, dư địa tăng trường dài hạn trong kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) vẫn còn lớn nhờ xây dựng các nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU. Cụ thể, từ năm 2018, DBD đã có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy mới đạt tiêu chuẩn GMP PICs/EU trong giai đoạn 2022 – 2030 với công suất tăng gấp 3 lần so với hiện tại của nhóm thuốc ung thư, thuốc uống dạng rắn không kháng sinh (Non Betalactam) và thuốc vô trùng. Mục tiêu chính của DBD trong dài hạn là giành thị phần tại kênh bệnh viện ở Nhóm 1 & Nhóm 2 bởi các hợp đồng thuốc điều trị ung thư ở Nhóm thuốc biệt dược, thuốc Nhóm 1 & Nhóm 2 đều có giá trị lớn, chiếm đến 85-90% tổng giá trị đấu thầu nhóm thuốc ung thư tại bệnh viện.
Song song với kênh ETC, DBD cũng chú trọng mở rộng kênh OTC (cửa hàng thuốc) giúp thúc đẩy tăng trưởng các sản phẩm cốt lõi khác. Năm 2020, DBD phân phối cho 5.000 nhà thuốc, đến tháng 8/2022 tăng gần gấp 4 lần, đạt ~18.000 nhà thuốc. DBD đặt kế hoạch phân phối cho 30.000 nhà thuốc vào năm 2025. Bên cạnh đó, DBD cũng nỗ lực gia tăng doanh thu trung bình/ cửa hàng thuốc thông qua đẩy mạnh thêm ngành hàng thực phẩm chức năng tập trung vào nhóm trẻ em & phụ nữ có con, nhóm trung niên và người cao tuổi. DBD dự kiến doanh thu trung bình/cửa hàng sẽ cán mốc 60-80triệu/cửa hàng vào năm 2025. Đây cũng là mức trung bình của ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu/cửa hàng ~ 20-25%/năm.
BVSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD trong năm 2022 của DBD lần lượt đạt 1.618 tỷ đồng (+3.8%YoY) và 201 tỷ đồng (+6%YoY). Với phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) và P/E, BVSC khuyến nghị cho DBD với giá mục tiêu là 53.800 đồng/cp (tiềm năng tăng trưởng 26,5%).
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu NTP với giá mục tiêu 52.000 đồng/cp
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong (NTP) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ mức sụt giảm mạnh của giá PVC trong nửa cuối 2022 sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của NTP.
Được biết, sản lượng tiêu thụ hồi phục tích cực trong nửa cuối 2022 và tăng trưởng trong 2023. Với vị thế số 1 chiếm tới 60% thị phần tại miền Bắc, sản lượng tiêu thụ của NTP sẽ được thúc đẩy khi số căn hộ đang triển khai đang hồi phục khá tích cực trong nửa đầu năm 2022.
Biên lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 của NTP sẽ tiếp tục mở rộng khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào có mức giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022 và giá bán neo cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ gia tăng mức chiết khấu để cạnh tranh nhờ giá đầu vào thấp. Biên lợi nhuận trong năm 2023 duy trì mức cao nhờ chi phí đầu vào thấp. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 tăng trưởng tốt tuy nhiên phải tăng chiết khấu để duy trì thị phần.
Bằng phương pháp định giá của VCBS, giá mục tiêu của NTP đạt 52.000 đồng/cp (tương ứng tăng 33%).
TLG đạt doanh thu 8 tháng đạt 2,500 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG) công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần hơn 2,500 tỷ đồng, tăng 48% YoY. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu tăng 58%, đóng góp vào 24% tổng doanh thu cho tập đoàn.
TLG cũng thông báo sẽ góp thêm 50 tỷ đồng vào Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Thiên Long với mục đích đảm bảo nguồn vốn để mở rộng dự án sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới.
VEA trả cổ tức gần 45%
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) thông báo trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 44,937%. Ngày 31/10 là ngày đăng ký cuối cùng, ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/10 và ngày thanh toán 30/11/2022.
Tin vắn cổ phiếu đáng lưu ý: Lợi nhuận sau thuế 8 tháng năm 2022 của LTG đạt 396 tỷ đồng, tăng 137%; SII sẽ phát hành riêng lẻ 30.6 triệu cổ phiếu giá 20.5 đồng/cp.