Những áp lực trên thị trường quốc tế vẫn tác động khá tiêu cực đến thị trường trong nước, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam lại lao dốc nhanh trong phiên 15/6 khi tâm lý nhà đầu tư vẫn khá yếu ớt.
VN-Index có được sắc xanh khi mở cửa nhưng nhanh chóng đảo chiều khi lực bán dâng cao, chỉ số theo đà đi xuống và thậm chí có lúc mất điểm tựa 1.200 điểm. Tuy nhiên một lực cầu xuất hiện cuối phiên đã kéo chỉ số hồi phục nhanh.
Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa giảm 16,38 điểm (-1,33%) về 1.213,93 điểm. Trong khi HNX-Index cũng lao dốc 6,83 điểm (-2,35%) còn 283,25 điểm và UPCoM-Index rơi 2,17% xuống 88,65 điểm.
Thị trường chịu sức ép giảm điểm ở phần lớn các nhóm ngành chủ chốt từ vốn hóa lớn đến các cổ phiếu đầu cơ. Riêng rổ vốn hóa lớn nhất VN30 ghi nhận 22/30 mã giảm giá, trong đó có 2 mã giảm kịch sàn.
Đáng chú ý nhất là GVR của Tập đoàn Cao su giảm hết biên độ về 23.050 đồng là mã có tác động xấu nhất lên chỉ số. Tiếp đến là HPG của Hòa Phát rơi 3% về 29.400 đồng hay GAS của PV Gas mất 1,6% còn 124.000 đồng.
Xét riêng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tiêu cực với một số mã giảm rất sâu như KLB lao dốc 6,1%, LPB sụt 5,7% về sát giá sàn, CTG mất 3% giá trị hay OCB giảm 2,6%.
Nhóm cổ phiếu có tỷ trọng cao khác là bất động sản và xây dựng cũng sụt giảm nghiêm trọng. Các mã DIG, HQC, QCG, NVT, HBC, DXG, FCN... đều kết phiên trong sắc xanh lơ của giá sàn. Một số mã vốn hóa lớn trong ngành cũng chìm trong sắc đỏ.
Nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục bị bán tháo dữ dội khiến nỗi đau của cổ đông ngày càng lớn. Các mã đầu ngành là SSI, VND, HCM cùng các mã khác VIX, AGR, FTS, CTS đều giảm kịch sàn. Các mã SBS rơi 9,7%, MBS lao dốc 8,8% hay APS mất 8,1% giá trị.
Tương tự là nổi đau của cổ đông ngành thép khi chứng kiến cổ phiếu vẫn trượt dài trong chuỗi lao dốc. Mã đầu ngàng HPG về 29.400 đồng, là mức thấp nhất kể từ 2021 đến nay và đã giảm phân nửa giá trị so với vùng đỉnh. Bên cạnh đó HSG, NKG, TLH gần như giảm sàn 3 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu ngành năng lượng sau chuỗi thăng hoa cũng bị điều chỉnh mạnh. Nhóm điện ghi nhận POW mất 4,9%, BCG lao dốc 5,8%, NT2 quay đầu giảm 3,1%, PGV giảm 2,1%. Nhóm dầu khí có GAS mất 1,6%, PLX rơi 4,9%, PVD sụt 5,6%, OIL giảm 3,6%...
Điểm sáng của thị trường khá ít bởi một số nhóm cổ phiếu cụ thể. Trong đó MWG của nhóm bán lẻ tiêu dùng bứt phá 2,9% lên mức cao nhất ngày tại 147.700 đồng là mã có tác động tích cực nhất. Một số cổ phiếu khác như PNJ tăng 1,7%, SAB tăng 1,3%, DGW có thêm 2,4% hay FRT lên 1,6%.
Cổ phiếu thủy sản cũng diễn biến tốt với đầu kéo là ANV của Navico tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 58.400 đồng sau thông tin nâng chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó VHC của Vĩnh Hoàn cũng tăng 2%, IDI có thêm 2,2% hay MPC tiến lên 1,5%.
Một số cổ phiếu riêng lẻ gây chú ý khác như SKG của Superdong Kiên Giang tăng trần lên 14.400 đồng sau khi doanh nghiệp đặt kế hoạch có lãi năm nay. Cổ phiếu bảo hiểm MIG tăng 6%, cổ phiếu khu công nghiệp VGC tăng 5,5% hay cổ phiếu phân bón DCM có thêm 4,9%. Cổ phiếu THD và NAG tăng trần trên sàn HNX.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng hoàn toàn về phe bán với sắc đỏ áp đảo. Toàn sàn có 762 mã giảm giá (trong đó có 142 mã giảm sàn), ưu thế hoàn toàn so với 210 mã giảm giá.
Thanh khoản thị trường nhìn chung có sự tăng lên do áp lực bán lớn hơn, tổng giá trị khớp lệnh tăng 9% lên mức 16.916 tỷ đồng . Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài lại có xu hướng giao dịch tiêu cực khi bán ròng hơn 180 tỷ đồng .
Diễn biến giảm điểm trong nước tương đồng với thị trường quốc tế khi nhà đầu tư quan ngại về việc Fed có thể tăng lãi suất mạnh hơn dự báo sau những thông tin tiêu cực về lạm phát đạt đỉnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ vào thị trường giá xuống khi chỉ số S&P 500 tiếp tục mất 0,38% giá trị về 3.735 điểm và Dow Jones giảm 0,5% còn 30.365 điểm, đều là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của các chỉ số.
Các chỉ số chứng khoán phần lớn giảm điểm. Kospi của Hàn Quốc cũng mất 1,8% về 2.447 điểm. Nikei 225 của Nhật Bản rơi 1,14%, IDX Composite của Indonesia mất 0,6%, chứng khoán Malaysia, Thái Lan... cũng chìm trong sắc đỏ.