Ngược dòng diễn biến điều chỉnh chung trên toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần tăng điểm khá ấn tượng bất chấp diễn biến xấu của thị trường thế giới. Với việc VN-Index tăng điểm 4 phiên đầu tuần và chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần.
Dòng tiền khối ngoại quay trở lại mua ròng là động lực chính bình ổn tâm lý và giữ chỉ số VN-Index tăng liên tiếp đến gần cuối tuần. Tuy nhiên, đà hồi phục có phần chững lại ở phiên giao dịch cuối tuần khi diễn biến xấu của thị trường thế giới. Nằm ngoài kỳ vọng các nhà đầu tư về thị trường phiên cuối tuần sẽ thiết lập phiên tăng điểm thứ 5 và chỉ số VN-Index tiến sát về mốc 1.100 điểm.
Tâm lý chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư bao trùm lên toàn thị trường suốt phiên giao dịch, chỉ số chính chủ yếu giằng co quanh 1.050 điểm. Chốt phiên cuối tuần VN-Index giảm nhẹ 2,95 điểm xuống 1.052 điểm.
Tại thị trường thế giới, thông tin chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống khi cổ phiếu ngân hàng và các công ty tài chính bị bán tháo. Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán châu Á cũng rơi vào đà lao dốc.
Tính cho cả tuần, VN-Index tăng 28,23 điểm (+2,75%), lên mức 1,053 điểm; phía HNX-Index tăng tổng cộng 2,97 điểm (+1.45%), lên 207,96 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt gần 462 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 12,53% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 54 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ 1,17% so với tuần giao dịch trước.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên cả hai sàn. Theo thống kê, khối ngoại đã mua ròng 997 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch từ 6-10/3, trong đó mua ròng 1.003 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh nhưng bán ròng khoảng 7 tỷ đồng thoả thuận. Như vậy nhà đầu tư ngoại đã ngắt chuỗi 3 tuần liên tiếp bán ròng.
Xét theo mức độ đóng góp, SAB, PLX và KDC là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VHM đã lấy đi khoảng 0,2 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, MSN, VPB, VHM và CTG là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất trong tuần.
Tại nhóm ngân hàng, dù ở phiên cuối tuần, nhóm này có phần “đi lùi” gây sức ép lên thị trừơng, khi 16/20 mã chứng khoán được niêm yết trên sàn HNX và sàn HoSE đều đóng cửa trong sắc đỏ cùng thanh khoản giảm mạnh gần 40% với phiên trước xuống 1.730 tỷ đồng.
Nhưng nếu xét cho cả tuần nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực với EIB +13,8%, BVB +9,2%, VPB +7,6%, CTG +5%. Đặc biệt, BID đang hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử tháng 1/2022.
Bên cạnh đó, thông tin Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch từ ngày 15/3 được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, nhóm ngành du lịch, vận tải, thực phẩm tiêu dùng.
Theo đó, vốn hóa nhóm cổ phiếu ngành du lịch và giải trí đã tăng 4,2% so với tuần trước, nổi bật với các mã như VTD +20%, HVN +16,2%, DAH +15,5%, SKG +6,6%,...
Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận đà tăng ấn tượng như DXG +11,2%, HDC +5,4%, CEO +5,1%, VHM +4,6%,… Nổi bật PDR của Phát Đạt có tuần giao dịch ấn tượng với mức tăng 11.9%.
Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản.
Góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. PDR được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này và giúp giá cổ phiếu bứt phá.
Chứng khoán cũng nằm trong nhóm tăng điểm tốt như VCI +7,9%, SHS +7,4%, SSI +7,3%, CTS +6,7%,…
Cổ phiếu chế biến thủy sản có tuần giao dịch tương đối tích cực, với phiên cuối tuần không có mã nào giảm giá, các mã đầu ngành ANV, IDI đều tăng ổn định. Thông tin năm 2022, Trung Quốc chi 19,1 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng 35,3% so với năm 2021. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong năm 2023. Đây được xem là “chiếc bánh” khổng lồ cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.