Theo đó, tại các phiên đầu tuần chỉ số giao dịch giằng co với các đợt xanh đỏ đan xen nhau trong phiên, đồng thời dòng tiền có tín hiệu cạn dần. Đến phiên ngày thứ 5 (ngày 6/7), thị trường đột ngột bị bán tháo ồ ạt càng về cuối phiên, VN-Index mất gần hết nỗ lực tăng điểm từ 3 phiên trước đó dù thanh khoản có phần trở lại nhưng nghiêng về bên bán.
Đến phiên cuối tuần, thông tin Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu ngân hàng nghiên cứu nới các điều kiện vay, hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã tạo hiệu ứng tốt cho thị trường. Bất chấp dưới áp lực bán mạnh “đột biến” của nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước thay vì chốt lời ngắn hạn phiên cuối tuần đã đảo chiều mua mạnh các cổ phiếu có vốn hóa lớn giúp VN-Index tăng mạnh gần 12 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 17,89 điểm, (+1,6%), vươn lên đạt 1.138,07 điểm. Giá trị giao dịch trung bình trên sàn HoSE đạt hơn 15.524 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với tuần trước, khối lượng đạt hơn 733,56 triệu đơn vị, giảm gần 10%.
Phía chỉ số HNX-Index giảm 1,5 điểm (-0,66%), xuống 225,82 điểm. Thanh khoản trên sàn đạt tổng cộng hơn 8.061 đồng, giảm nhẹ hơn 2% so với tuần trước.
Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin quan trọng như PMI tháng 6 chỉ ở 46,2 điểm, nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm.
Thị trường liên tục xuất hiện giằng co và có dấu hiệu suy giảm, VN-Index vẫn đang tiến những bước khá “chậm rãi”.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm nay và Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cùng với đó là thông tin, hơn 42.000 tỷ đồng trái phiếu được hơn 30 tổ chức phát hành trong 3 tháng qua.
Xét theo mức độ đóng góp, VIC, VHM và SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VHM đã lấy đi hơn 0.5 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, MWG, HPG và VCB là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VCB đã bù lại hơn 5 điểm cho chỉ số.
Tại nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng phân hóa, với SHB +8% trước thông tin bán vốn và chia cổ tức, NAB +7,98%, LPB +6,27%, VCB +5% và SSB +5,9% nhờ dự báo cùng SHB sẽ vào rổ VN30 trong kỳ cơ cấu tới,…. Trong khi đó, áp lực điều chỉnh đến từ NVB -8,5%, EIB -4,71%, TCB -2,47%, ACB -1,59%,...
Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng xanh – đỏ đan xen, với CEO -6,72%, L14 -6,27%, NLG -3,18%, NVL -2,36%,… ở chiều ngược lại có những cái tên duy trì sức mua khá như ITC +6,25%, NHA +5,65%, LGL +4,91%, TDC +3,53%,...Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su lại có diễn biến tích cực hơn như DTD +13,13%, PHR +9,91%, GVR +9,54%, D2D +8,58%, SZC +7,55%,...
Dù đã trở lại mua ròng 2/5 phiên, nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại vẫn chiếm ưu thế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhóm ngành bán lẻ có tuần giao dịch khởi sắc nhất trên thị trường, nhất là trong phiên giao dịch ngày 07/07. Tiêu biểu là các mã cổ phiếu đầu ngành có mức tăng ấn tượng như với DGW +10,58%, PET +6,73%, FRT +5,03%, MWG +5,08%,...
Mặt khác, phía khối nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay rút ròng 3/5 phiên giao dịch, với hơn 1 nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại bán ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ròng gần 11 tỷ đồng trên sàn HNX.
Nổi bật nhất là tại phiên cuối tuần (7/7) trên sàn HoSE, khối ngoại ghi nhận giao dịch xả ròng gần 1.357 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 49,3 triệu đơn vị cổ phiếu. Cổ phiếu VCB dẫn đầu bên mua với giá trị gom ròng hơn 153,8 tỷ đồng. Theo sau là HPG +73,7 tỷ đồng và GMD +40,8 tỷ đồng,… Tại chiều bán, cổ phiếu EIB bị xả ròng mạnh nhất với quy mô hơn 682,4 tỷ đồng, theo sau đó là VHM -440,8 tỷ đồng, KDC -203,4 tỷ đồng,...