Cụ thể, hai phiên đầu tuần thị trường tiếp nối đà giảm điểm của tuần trước giảm thêm hơn 8 điểm, nhưng ngay phiên tiếp theo thị trường ghi nhận tín hiệu hồi phục khá tích cực nhờ cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt cuối phiên VN-Index đã lấy lại được mốc 1.040 điểm, thoát chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Đến phiên thứ 4 trong tuần thị trường quay đầu giảm nhẹ do khối ngoại quay đầu bán ròng, nhưng tại phiên cuối tuần thị trường giao dịch tưng bừng về cuối phiên, một phần vì nhà đầu tư chấp nhận mua tích lũy trước để đón cơ hội tăng sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi cổ phiếu giảm giúp VN-Index tích lũy gần 10 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất ba tuần qua.
Tổng cả tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,21 điểm (+0,6%), lên 1.049,12 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt hơn hơn 48.936 tỷ đồng, tăng 12,1% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng 12,3%.
Đối với chỉ số HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,27%), lên 207,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 8% so với tuần trước xuống 5.082 tỷ đồng.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng diễn biến phân hóa, với TPB +5,54%, VCB +3,43%, TCB +2,79%, VPB, MBB, LPB nhích hơn 2%, trong khi MSB -4,86%, PGB - 4,02%, OCB -3,99%, còn BID, STB mất điểm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực với một số cổ phiếu vừa và nhỏ tăng tốt như ITC +13,72%, NTL +13,5%, NHA +12,36%, NLG +9,51%, DIG +9,36%, KHG +12,4%, TCD +10,4%, BCG +9%, …
Trong tuần gây chú ý, cổ phiếu DDG giảm đến 40% thị giá/tuần của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương tiếp tục bị bán tháo và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 15 liên tiếp. Trong phiên cuối tuần 28/4, cổ phiếu này chỉ khớp được 0,48 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn tới hơn 15,5 triệu đơn vị. Giải trình về vấn đề liên tục bị giảm sàn này, người đại diện công ty cho biết lý do là vấn đề cung cầu của thị trường nằm ngoài kiểm soát của công ty.
Ngược lại ABR của CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt có mức tăng ấn tương hơn 30% thị giá. Tuy nhiên, giao dịch lại khá thưa thớt, với chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh phiên.
Các thông tin đáng chú ý, đồng thời hỗ trợ thị trường tích cực nhất trong tuần là việc NHNN ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thời gian triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (24/4) đến hết ngày 30/6/2024.
Thông tin quan trọng khác là Bộ Công Thương đã có văn bản đồng ý cho EVN thực hiện điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tối đa 3% và thời điểm điều chỉnh là sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Bên cạnh đó, dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài còn là một phần tác động đến biến động của chỉ số. Cụ thể, tuần qua khối ngoại có 3/5 phiên mua ròng trên sàn HoSE với tổng giá trị ròng đạt hơn 470 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu HPG được khối ngoại ưu ái mua vào tới 380 tỷ đồng, mã này được mua mạnh nhất vào phiên ngày 26 với giá trị 122 tỷ đồng. Ngoài ra, tại phiên đầu tuần cổ phiếu ngân hàng MSB gây chú ý khi được khối này xuống tiền tới 365 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, với hơn 474 tỷ đồng bán ròng trong tuần. Tổng quan bên bán có phần chiếm ưu thế hơn trong tuần qua dù chỉ có 2 phiên bán ròng. Mã cổ phiếu VIC bị bán mạnh nhất trong hai phiên này tổng giá trị bán ròng ở mức 123 tỷ đồng.