Tuần qua áp lực bán mạnh của nhà đầu tư tập trung vào khối cổ phiếu có vốn hóa lớn, cùng khối ngoại duy trì bán ròng nguyên tuần, gây sức ép cho thị trường trong nước khiến chỉ số bị kìm hãm không thể bứt phá.
Tâm lý xả hàng của các nhà đầu tư từ cuối tuần trước tiếp tục kéo dài sang đến tuần này. Dù ngay phiên đầu tuần, VN-Index đã tăng hơn 3 điểm, dừng ngay tại mốc 1.070 điểm. Tuy nhiên hai phiên kế tiếp, lực bán chiếm ưu thế đã kéo lùi chỉ số này mất gần 9 điểm, lùi về 1.061 điểm.
Hai phiên cuối tuần, thị trường ghi nhận tín hiệu hồi phục nhưng khá nhạt nhòa. Phiên ngày thứ 5 (25/5), VN-Index chỉ hồi phục nhẹ chưa tới 3 điểm, đến phiên cuối tuần dù sắc xanh chiếm ưu thế nhưng chỉ số VN-Index giảm nhẹ.
Các chỉ số chính hầu hết giảm điểm trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index giảm 0,87 điểm, chốt tuần tại 1.063,76 điểm; HNX-Index tăng 0,86 điểm, kết phiên lên mức 217,64 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 3,31 điểm (-0.31%), HNX-Index tăng 3,73 điểm (+1.74%).
Trong khi, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tuần qua đạt 61.716,7 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 5,5% so với tuần trước đó. Sàn HNX giảm 5,7% so với tuần trước với 7.439,16 tỷ đồng được giao dịch.
Thì nhà đầu tư ngoại có động thái liên tục rút tiền khỏi chứng khoán. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán khoảng 5.560 tỷ đồng trong khi mua vào chưa đến 3.200 tỷ đồng, tức giá trị bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng. Dòng tiền của khối ngoại chủ yếu rút khỏi cổ phiếu ngành chứng khoán, ngân hàng, thép và bất động sản.
Tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng tiếp tục ghi nhận tại mã chứng khoán VND -341 tỷ đồng. Ngoài ra, áp lực bán ròng ghi nhận tại HPG -329 tỷ đồng. Cổ phiếu VNM và CTG cũng bị bán ròng lần lượt 316 tỷ và 209 tỷ sau 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.
Những mã GAS -1,26%, VCB -2,34% hay VIC -0,95% ghi nhận áp lực điều chỉnh mạnh, từ đó tác động tiêu cực nhất lên thị trường. Trong đó, tính riêng VCB đã lấy đi gần 1,5 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, GEX +6,01% và GVR +5,85% là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng GVR đã bù lại gần 0,5 điểm cho chỉ số.
Thông tin đáng chú ý nhất tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 0,5% lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, giảm 0,5% lãi suất tái cấp vốn, giảm 0,5% lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành gánh nặng của thị trường khi liên tục lao dốc, trở thành tâm điểm báo tháo của các nhà đầu tư nội và ngoại. Loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn của nhóm này giảm điểm như: PGB -6,04%, VCB -2,34%, STB -2,33%, BID -2,25%, SHB -2,12%,... Một số nhỏ các mã cổ phiếu của nhóm này có thể ngược dòng là EIB +2,62%, LPB +1,07%, TPB +0,85%,...
Trong khi đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng mức tăng giá điện 3% thực hiện từ đầu tháng 5/2023 chưa cân đối được chi phí. Vì vậy, trong báo cáo trình Chính phủ, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN. Phản ứng bởi thông tin này các cổ phiếu phát điện có mức tăng tốt trong các phiên giao dịch gần đây. Các mã đầu ngành đều có mức tăng tương đối như POW +0,74%, GEG +2,48%, PGV +9,57%,…
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí đa số tiếp tục có tuần tăng điểm tích cực với PVB +17,47%, OIL +7,45%, PXS +7,27%, PVS +7,07%,... Nổi bật, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng với nhiều mã hút lực cầu và tăng tốt như NTC +23,24%, SIP +9,57%, PHR +6,48%, IDC +6,44%,...
Trên sàn HoSE, chiếm phần lớn các cổ phiếu tăng mạnh nhất đều liên quan đến nhóm ngành bất động sản, xây dựng. Đặc biệt đều chỉ là những cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ rất cao là: SGR +27,51%, NHA +23,87%, TDH +20,92%, ITC +17,14%, ST8 +16,58% hay CII +14,95%,…