Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, nối dài chuỗi tăng điểm tích cực từ tuần trước. Tuần này, chỉ số VN-Index đã có thêm 3 phiên đầu tuần tăng điểm, nhưng nhìn chung mức độ tăng điểm khá thận trọng. Các chỉ số liên tục giằng co và giao động trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, chỉ với 2 phiên giảm điểm cuối tuần đã đánh mất toàn bộ đà tăng trước đó cùng khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh.
Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 9,2 điểm (-0,81%), thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 82,816 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với tuần trước, nhưng khối lượng giao dịch giảm nhẹ 1,2%. Tuy giảm điểm trong tuần qua, nhưng kết thúc tháng 6 này, VN-Index vẫn tăng tới 4,19% và trong cả quý 2/2023 ghi nhận mức tăng 5,22%.
Phía chỉ số HNX-Index tuần qua giảm 4,22 điểm (-1,82%), xuống 227,32 điểm. Thanh khoản sàn HNX đạt hơn 8,245 tỷ đồng, giảm 16,07% với so với tuần trước.
Mặt khác, áp lực bán từ khối ngoại tiếp tục gây cản trở sự hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Trong khi thị trường chung ghi nhận sự giằng co, giao dịch khối ngoại lại ghi nhận bán ròng 189 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch. Điểm tích cực là sau hai phiên đầu tuần bán ròng mạnh, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng trong ba phiên sau đó.
Cổ phiếu VHM tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này với giá trị vượt ngưỡng 270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, STB, VRE cũng bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch.
Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu quốc dân HPG với giá trị xấp xỉ 750 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng loạt cổ phiếu SHS, FRT, CTG.
Về mức độ đóng góp, VCB, BID và GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VCB đã lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, MWG, HPG và GVR là những mã có tác động tích cực nhất, riêng HPG đã bù lại hơn 0,5 điểm cho chỉ số.
Tuần qua, những thông tin vĩ mô có tác động tích cực đến thị trường là việc Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% VAT và dữ liệu tăng trưởng GDP quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, có tuần giao dịch khá trầm lắng, các chỉ số chính phân hóa đan xen tăng giảm không nhiều. Trong khi VCB nhích nhẹ 0,1%, CTG +0,85%, ACB +0,68% thì BID -2,14%, VPB -1,73%, TCB -1,67%,…
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị chốt lời và tâm điểm vẫn là các mã vừa và nhỏ, với QCG -24,15%, LGL -15,21%, TDC -12,07%, CEO -9,16%, NHA -8,37%, DIG -7,68%,.... ngoài ra các mã đầu ngành cũng diễn biến khá ảm đạm như VHM -1,79%, VIC -1,92%, VRE -0,19% hay BCM -1,74%,…
Nhóm cổ phiếu nhạy cảm với thị trường nhất là các công ty chứng khoán bị điều chỉnh với VIX -11,48%, WSS -8,97%, BVS -7,11%, FTS -7,04%, BSI -5,65%,... Ngược lại, ngành thiết bị điện bứt phá mạnh mẽ giữa thị trường đầy biến động trong ngày các quỹ ETF chốt NAV quý 2. Tiêu biểu là các mã cổ phiếu có mức tăng ấn tượng như GEX +4,03%, CAV +2.54%, TYA +2.24%,…