Thị trường chứng khoán có tuần dù chịu áp lực bán mạnh nhưng bên mua vẫn chiếm ưu thế hơn, với các phiên tăng giảm đan xen nhau. VN-Index đã ghi nhận 2 phiên trong tuần bị bán tháo với tổng điểm trừ hai phiên gần 15 điểm. Tuy nhiên, lực mua của 3 phiên còn lại giúp thị trường hồi phục nhanh chóng.
Nổi bật tại phiên cuối tuần, tâm điểm ngành bất động sản thu hút dòng tiền mạnh khi hàng trăm dự án bất động sản đã được tháo gỡ vướng mắc tính đến ngày 01/8/2023, giúp chỉ số giữ vững trên ngưỡng 1.200 điểm trong tuần.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch trên mức 1 tỷ đơn vị cổ phiếu xuất hiện thường xuyên cho thấy thị trường đang sôi động trở lại. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 18,31 điểm (+1,52%), lên 1.255,98 điểm. Trong tuần thanh khoản trên sàn HoSE đạt 114.136 tỷ đồng, tương đương trung bình gần 23.000 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch tăng 5,9%.
Phía chỉ số sàn HNX-Index tăng 4,87 điểm (+2,05%) lên 242,41 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX tăng 7,2% so với tuần trước lên hơn 9.886,94 tỷ đồng được giao dịch.
Trong tuần đầu tiên của tháng mới, thị trường đã đón nhận nhiều dữ liệu kinh doanh tháng 7 vừa qua như Chỉ số PMI của ngành sản xuất ở mức 48,7 điểm, vẫn nằm trong vùng thu hẹp, nhưng nhìn chung gia tốc giảm đã được thu hẹp so với tháng trước với mức 46,2 điểm.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,65%.
Bên cạnh đó là thông tin về Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Tính đến ngày 01/8, Tổ công tác của Bộ Xây dựng đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản.
Thị trường đã phản ánh rất tích cực với những thông tin trên. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến nổi bật nhất với VIC +20,78%, QCG +12,60%, TCH +10,68%, NBB +8,78%, NVL +7,9%,...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tương đối tích cực đối với các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ như: SGB +34,48%, EIB +16,38%, ACB +9,91%, LPB +5,83%, SHB +5,56%,... ngược lại đầu ngành VCB -3,12%, ngoài ra còn có SSB -2,36%, OCB -1,59%,...
Xét theo mức độ đóng góp, BID, SSB và VCB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng SSB đã lấy đi hơn 0,5 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM, VIC và ACB là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VIC đã bù lại hơn 4 điểm cho chỉ số.
Trái với dòng tiền trong nước sôi động giúp thị trường có tuần giao dịch khởi sắc thì khối ngoại lại bán ròng tới hơn 1.500 tỷ đồng trong tuần qua. Trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên.
Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu MSB với giá trị mua ròng đạt 589,59 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu DCM được mua ròng giá trị mua ròng đạt 258,58 tỷ đồng.
Trái lại, khối này đã quay ra bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với giá trị bán ròng đạt 396,85 tỷ đồng. Tiếp theo đó là cổ phiếu lớn VIC bị bán ròng giá trị bán ròng đạt 222,29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, yếu tố chính khiến giao dịch khối ngoại vẫn bán ròng mạnh mẽ trong tuần này là VNZ khi cổ phiếu này đã bị bán ròng hơn 1,72 triệu đơn vị trong phiên 1/8, với tổng giá trị bán ròng lên tới gần 1.292 tỷ đồng.