Tuần qua, thị trường đón nhận thông tin trong nước với dữ liệu tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,56% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6.
Đáng chú ý khác là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, là thông tin từ thị trường nước ngoài, khi cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast trên sàn Nasdaq liên tục tăng mạnh, đưa định mức giá VinFast liên tục lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, tuần qua chứng kiến thị trường chứng khoán trong nước rung lắc mạnh, khi tâm lý của các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nhiều từ phiên lao dốc không phanh vào cuối tuần trước (18/8). Cụ thể, sau phiên cuối tuần trước giảm sốc, VN-Index dù có hai phiên đầu tuần tăng điểm. Nhưng tín hiệu hồi phục hết sức thận trọng, chỉ giằng co loanh quanh gần tham chiếu.
Đến phiên ngày thứ tư (23/8), thông tin tích cực từ cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast trên sàn Nasdaq chỉ giúp cổ phiếu VIC (Vingroup) tăng nhẹ. Trong khi, loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng và bất động sản chìm trong sắc đỏ, khiến chỉ số chính VN-Index đánh rơi gần 8 điểm.
Tuy nhiên, đến phiên ngày thứ 5, bất chấp cổ phiếu VIC (Vingroup) đảo chiều sụt giảm, lực cầu trở lại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn giúp VN-Index bứt phá tăng gần 17 điểm.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần, cùng hiệu ứng từ phiên giao dịch trước đó (24/5), bên cạnh thông tin tích cực, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast tăng “phi mã” trên thị trường chứng khoán Mỹ, đưa mức định giá VinFast tăng vọt lên 113 tỷ USD. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn lại xuất hiện khá sớm trong phiên giao dịch, VN-Index lại đánh rơi hơn 6 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index chỉ tăng 5,38 điểm (+0,46%), lên 1.183,37 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt 99.660,6 tỷ đồng, giảm tới 20,3% so với tuần kỷ lục trước đó, khối lượng giao dịch cũng giảm hơn 20%.
Phía chỉ số HNX-Index tăng 6,94 điểm (+2,94%), lên 242,94 điểm. Thanh khoản trên HNX giảm hơn 28,5% xuống còn hơn 9.599 tỷ đồng được giao dịch.
Trong tuần, các cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán nhận lực đẩy tích cực từ thông tin của Nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11/2023 và dự kiến hệ thống giao dịch KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Theo đó, các cổ phiếu tích cực nhất có SSI +13,78%, SHS +11,92%, VND +9,25%, MBS +8,77%, VCI +8,46%, BVS +8,16%, VIX +7,4%, VDS +5,6%, CTS +5,6%, FTS +3,9%,…
Trong khi tại nhóm cổ phiếu ngân hàng lại khá phân hóa. Đầu ngành VCB -3,69%, VPB -1,94%, thì một số mã còn lại có mức tăng khá như BID +2,26%, CTG +1,47%, TCB +3,54%, TPB +4,14%, EIB +4,32%,…
Tương tự, nhóm bất động sản cũng có diễn biến kém khả quan tại các cổ phiếu “họ Vin” là VIC -5,08%, VHM -4,75%, VRE -1,37%, ngoài ra còn có BCM -2,21%, ITA -2,22%. Ngược lại, các mã cổ phiếu tăng điểm tích cực của nhóm này có KDH +4,22%, KBC +5,33%, DIG +4,25%, PDR +3,76%, NLG +3,35%,…
Nổi bật nhất là DXG tăng mạnh 11,41%, lên mức 21.000 đồng/CP - mức cao nhất 11 tháng từ cuối tháng 9 năm ngoái. Trong khi ghi nhận nhiều thông tin bất lợi từ dự án Gem Sky World hơn 92 ha ở Đồng Nai.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư mắc kẹt với cổ phiếu PIT với bốn phiên đầu tuần mất thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sàn từ sớm và chỉ được giải cứu trong phiên cuối tuần với khối lượng khớp lệnh hơn 214.000 đơn vị. Trước đó, cổ phiếu này đã có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp từ 03/8 đến 18/8.
Khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng với giá trị “khủng” đạt 1.777,45 tỷ đồng, tăng 13,53% tăng 60,97% so với tuần trước. Trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với hơn 666 tỷ đồng. Tiếp theo, VPB -389,58 tỷ đồng và SSI -396,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn có, SHS -27,52 tỷ đồng, TNG -21,36 tỷ đồng.
Ngược lại, bên mua tâm điểm cổ phiếu VNM với giá trị đạt 292,34 tỷ đồng, VIC +230,92 tỷ đồng, hay TPB +165,53 tỷ đồng.