Vẫn còn những quan điểm trái chiều về việc đây là xu hướng tăng mạnh, hay chỉ là 1 nhịp hồi ngắn hạn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là khi thị trường điều chỉnh và phân hoá, cũng chính là cơ hội để nhìn nhận những cổ phiếu và nhóm ngành vượt trội so với thị trường chung. Với biên độ dao động mạnh của VN-Index hiện nay, chiến lược đầu tư ra sao để đảm bảo an toàn, nhưng không bỏ lỡ cơ hội?
Nhiều vấn đề vĩ mô đang dần được tháo gỡ , thị trường về vùng hấp dẫn
Trong chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) bày tỏ quan điểm rằng: “Thị trường hiện đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn cho việc mua gom và tích sản cổ phiếu”.
Lý giải về quan điểm tích cực trên, ông Hoàng cho biết tâm lý nhà đầu tư đã được "cởi trói" sau cú sập khiến VN-Index tạo đáy giữa tháng 11 vừa qua. Nếu khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh cùng lực mua của NĐT trong nước quay trở lại, vị chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện những phiên giao dịch "bùng nổ".
Theo góc nhìn của chuyên gia Nhất Việt, tình hình vĩ mô Việt Nam đang dần tốt lên, đồng nghĩa với việc thời điểm xấu nhất đã qua, những tín hiệu không mấy tích cực đang bắt đầu có dấu hiệu đi ngang và đi xuống. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư ngoại đang có sự đặt cược rất lớn cho thời điểm này, minh chứng bằng việc họ mua vào rất mạnh mẽ trong hơn 1 tháng nay. Ngoài ra, cường độ và quy mô của các phiên giao dịch đều lớn nên thị trường khó có thể quay lại nhịp giảm sâu.
"Bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, những nhà đầu tư nước ngoài đâu đó đã bắt đầu đặt cược rằng thị trường Việt Nam sẽ tốt lên", ông Hoàng cho hay.
Đánh giá về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng dòng tiền và sức mạnh giá đang rất ổn định, thanh khoản nhiều phiên vượt mức 20.000 tỷ đồng. Nếu dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức 19.000-20.000 tỷ đồng, sóng hồi sẽ vẫn tiếp diễn.
Đánh giá về mặt vĩ mô, ông Hoàng chỉ ra một số vấn đề lớn mà vĩ mô đang gặp phải như lạm phát, thanh khoản, trái phiếu hay lãi suất. Điểm tích cực là những vấn đề này đã lộ diện dần và đang được tháo gỡ. Điển hình như thanh khoản được cải thiện trong ngắn hạn, hay việc NHNN có dấu hiệu mua lại USD trên thị trường vào tháng 10 hay 11 vừa qua.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mang sức ép rất lớn thời gian qua là tỷ giá, ông Hoàng chỉ ra việc đồng USD đang suy yếu dần khi hạ giá nhanh và chỉ số CPI của Mỹ cũng đang cho dấu hiệu đi xuống. Do đó, chính sách của FED sẽ không còn quá “diều hâu”, khiến áp lực tỷ giá giảm bớt.
Nhà đầu tư đã ban đầu nhìn thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”, song cũng cần lưu ý rằng vấn đề về thanh khoản trung và dài hạn hay trái phiếu là những vấn đề lớn, không thể xử lý ngay trong một vài tháng mà là câu chuyện xử lý dài hạn, 1-2 năm thậm chí nhiều năm mới có thể dứt điểm được.
Chiến lược giao dịch khi thị trường xuất hiện rung lắc ngắn hạn
Liên quan đến cuộc họp FED diễn ra vào tuần sau, vị chuyên gia VFS cho rằng nhà đầu tư cần có những chiến lược khác nhau đối với mục đích "lướt sóng" hay đầu tư dài hạn.
Trước tiên, nhà đầu tư dài hạn nếu đã sở hữu vị thế tốt không phải quá lo lắng trước những biến động ngắn hạn. Chuyên gia Nhất Việt khẳng định: "Việc họ có vị thế tốt ở giai đoạn này, họ sẽ vẫn giữ cổ phiếu bấp chấp những rung lắc của thị trường trước các sự kiện."
Tiếp theo, với những nhà đầu tư "lướt sóng", cần lưu ý rằng những sự kiện này có thể là điểm chốt lời của nhịp điều chỉnh ngắn hạn. "Chúng ta cần phải quan sát xem thị trường điều chỉnh có gẫy trend hay không, hoặc dòng tiền có hấp thụ được hết lực cung "bung" ra thời điểm đó hay không. Bởi nhiều nhà đầu tư đang kẹp hàng ở vùng giá trên, khi thị trường càng lên cao lực chốt bán ra sẽ càng mạnh. Đây sẽ là những câu chuyện mà những nhà đầu tư "lướt sóng" cần phải theo dõi để có thể có những chiến lược cho riêng mình", ông Hoàng cho hay.