Chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây khi thị trường liên tục sụt giảm mạnh. Rất nhiều cổ phiếu trong đó có cả những Bluechips đầu ngành đã trôi về vùng đáy dài hạn.
Từ đỉnh trên 1.500 điểm, VN-Index đã giảm 38% xuống dưới 950 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Mức giảm hơn 36% từ đầu năm cũng đã đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Độ rộng nghiêng hoàn toàn sang chiều giảm và gần như không có nhóm cổ phiếu nào ngược dòng.
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới
Xét về chỉ tiêu vốn hóa, khốc liệt nhất là nhóm penny khi chỉ số VNSmallcap (VNSML) “bốc hơi” gần 57% từ đỉnh hồi cuối tháng 3. Về cơ bản, khi sóng gió bủa vây thị trường, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ các nhóm có tính đầu cơ, rủi ro cao để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn là điều dễ hiểu. Thêm nữa, hàng loạt cổ phiếu nhỏ với tính đầu cơ cao đã tăng rất nóng, thậm chí đến hàng chục lần trong năm ngoái, dẫn đến áp lực chốt lời mạnh là điều không thể tránh khỏi.
Nhóm cổ phiếu midcap cũng giảm rất mạnh kéo theo chỉ số VNMidcap (VNMID) mất gần 51% so với đỉnh hồi đầu năm nay. Các cổ phiếu trụ mặc dù có nền tảng cơ bản vững vàng hơn nhưng cũng không tránh khỏi giông bão. Chỉ số VN30 cũng giảm 40% từ đỉnh vào cuối tháng 11 năm ngoái. Đáng chú ý, cả 3 chỉ số VN30, VNMID, VNSML đều đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá kể từ năm 2021.
Xét về tiêu chí đầu tư, các bộ chỉ số nổi bật như VNFinLead và VNFinSelect cũng đều đã giảm mạnh, lần lượt 48% và 44% so với đỉnh. Đây là 2 chỉ số cùng được xây dựng dựa trên Chỉ số ngành tài chính của HoSE - VNAllshare Financials Index và bổ sung quy định giới hạn tỷ trọng vốn hoá của cổ phiếu thành phần là 15% nhưng có một số khác biệt về tiêu chí xem xét cổ phiếu thành phần.
Chỉ số VNFinLead yêu cầu cổ phiếu thành phần phải có tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1% và giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ đồng. Mặt khác, VNFinSelect đòi hỏi giá trị vốn hóa của các cổ phiếu thành phần đạt tối thiểu 500 tỷ đồng và có giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng/phiên. Sự khác biệt đã dẫn đến những biến động khác nhau của VNFinLead và VNFinSelect tuy nhiên điểm chung là cả 2 chỉ số cũng đều đã xuống dưới mức khởi đầu của năm 2021.
Hầu hết các chỉ số đều đã đánh mất thành quả của năm 2021
Cái tên duy nhất còn giữ được thành quả tăng giá trong năm ngoái là VNDiamond khi chỉ số này vẫn còn cao hơn gần 20% so với thời điểm đầu năm 2021. Đây cũng là chỉ số đi lên bền bỉ nhất với đà tăng kéo dài đến đầu tháng 4 năm nay. Mức giảm 35% từ đỉnh của chỉ số này cũng là hiệu suất khả quan nhất trong các bộ chỉ số đầu tư.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa VNDiamond và các chỉ số khác đến từ yếu tố hệ số FOL (Foreign Ownership Limit). Đây là hệ số phản ánh tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài so với tỷ lệ giới hạn nắm giữ cổ phiếu của họ. Cổ phiếu có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% sẽ được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.
Tiêu chí này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của các cổ phiếu thành phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ phiếu thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của rổ chỉ số này như MWG, PNJ, FPT, REE,... đều là những cái tên rất được khối ngoại săn đón. Đây cũng là các cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực “hot” như bán lẻ, công nghệ, năng lượng, tiện ích,... với tiềm năng tăng trưởng được đánh giá cao.
Danh mục cổ phiếu thành phần của VNDiamond
Sự ưa thích của khối ngoại là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng sức chống chịu cho nhiều cổ phiếu trong danh mục của VNDiamond trước áp lực bán lan rộng trên thị trường. Thêm nữa, DCVFM VNDiamond ETF – quỹ bị động duy nhất mô phỏng theo rổ chỉ số này cũng được hưởng lợi từ xu hướng trên.
Sau khi bất ngờ bị rút ròng trong quý 3, nhờ động lực từ nhà đầu tư Thái Lan, Diamond ETF đã hút ròng trở lại trong tháng 10 và cả ngày đầu tháng 11 với tổng giá trị lên đến gần 1.100 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, Diamond ETF là một trong những “thỏi nam châm” hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị gần 4.900 tỷ đồng.
Diamond ETF vẫn là thỏi nam châm hút vốn ngoại