Cuối tháng 10/2021, sau khi đóng cửa hàng loạt quán lớn, kể cả cửa hàng signature, The Coffee House ra mắt kiosk đầu tiên bên trong một siêu thị KingFood Mart ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Đại diện thương hiệu khi đó cho hay sẽ tập trung xây dựng các cửa hàng nhỏ trên phố, kiosk và xe đẩy, tại những địa điểm gần nơi sinh sống, làm việc và mua sắm của khách hàng, bởi đây là những mô hình sẽ "lên ngôi trong tình hình mới".
Nhưng hơn một năm trôi qua, không còn ai nhắc đến kiosk hay xe đẩy của The Coffee House. Thay vào đó, doanh nghiệp tối ưu chi phí trên từng điểm bán và trở lại đường đua mở cửa hàng với 15 chi nhánh mới, dù tổng số đến nay chưa thể bằng thời kỳ vàng son trước đây.
Đua nhau chiếm lĩnh thị trường
Không riêng gì The Coffee House, Phúc Long sau khi về tay Masan cũng từng rầm rộ mở kiosk bên trong các siêu thị WinMart, WinMart+. Nhưng đến nay nhìn lại, chuỗi chỉ còn 774 kiosk đang hoạt động, giảm hơn 200 điểm bán chỉ trong vòng 6 tháng.
Trong lúc này, thương hiệu lại mở mới 24 cửa hàng với không gian rộng rãi để phục vụ khách ngồi tại chỗ. Đặc biệt, cửa hàng flagship rộng gần 2.000 m2 tại khu Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM) từ khi khai trương hồi tháng 9 đến nay vẫn luôn kín khách.
Một thương hiệu đang chuyển mình rõ rệt khác là Katinat Saigon Káfe. Tận dụng giai đoạn các chuỗi quy mô lớn co cụm lại, hệ thống này "săn" được những mặt bằng lớn ở các vị trí đắc địa của TP.HCM. Từ con số 10 quán vào cuối năm ngoái, hiện đơn vị này sở hữu 41 cửa hàng.
Hay với Starbucks, từng chậm rãi mở rộng chi nhánh suốt mấy năm qua nhưng từ đầu năm đến nay doanh nghiệp lại không ngừng tăng tốc. Riêng 4 tháng gần nhất, chuỗi cà phê ngoại này đã mở thêm 4 cửa hàng, trong đó có một địa chỉ tại Hội An (Quảng Nam) đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Đến nay, Starbucks có hơn 85 cửa hàng tại 7 tỉnh, thành phố.
Tương tự, sau 2 năm đặt chân đến Việt Nam, chuỗi Cafe Amazon với quy mô lớn nhất Đông Nam Á cũng chỉ mở được 15 chi nhánh. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần cuối năm nay, vị đại diện thương hiệu cho biết sẽ khai trương đồng loạt 5 cửa hàng mới. Những cửa hàng này đang trong quá trình xây dựng ở khu vực trung tâm TP.HCM.
Nhưng có lẽ trong làn sóng mở rộng của các chuỗi trà và cà phê hiện nay, đáng chú ý nhất là sự trở lại của một thương hiệu khá lâu đời: Passio.
Tuần qua, chuỗi cà phê mang đi này tái khai trương cửa hàng đầu tiên được mở từ năm 2006. Điều đáng nói, sau 15 năm hoạt động tại đây, nay doanh nghiệp thuê thêm mặt bằng mới ngay cạnh quán 15 m2 này để hợp nhất và cải tạo thành cửa hàng rộng 350 m2.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ông lớn này chuyển hướng sang mở cửa hàng có không gian rộng rãi. Tuy nhiên, đại dịch đã buộc chuỗi phải đóng những cửa hàng này để tập trung cho các mô hình mang đi, quán nhỏ vài chỗ ngồi và giao hàng tận nơi. Đến nay, sự trở lại của không gian hàng trăm m2 cho thấy thương hiệu đã hồi phục và quay lại cuộc chiến khốc liệt của ngành F&B.
Lúc này, các chuỗi cà phê có quy mô chi nhánh lớn hơn như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee... cũng đang không ngừng mở rộng điểm bán.
Mô hình nào lên ngôi?
"Thị trường F&B Việt Nam rất khó khăn", đại diện Cafe Amazon Việt Nam nói với Zing bên lề một sự kiện đánh dấu cột mốc 2 năm gia nhập thị trường cách đây không lâu.
"Dù thương hiệu được xây dựng hơn 20 năm ở Thái Lan và nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng tại Việt Nam chúng tôi vẫn là người mới. Do đó chúng tôi không cố gắng để trở thành số 1 thị trường mà chỉ muốn góp thêm một lựa chọn, một điểm đến yêu thích cho người Việt", vị này khiêm tốn chia sẻ.
Theo ông, hiện doanh nghiệp vẫn đang từng bước xây dựng danh tiếng cho thương hiệu và tối ưu chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, trước mắt kế hoạch mở rộng chỉ tập trung ở TP.HCM và khu vực phía Nam, trong tương lai khi thương hiệu vững mạnh hơn sẽ mở rộng khắp cả nước.
Thị trường F&B Việt Nam rất khó khăn.
Đại diện Cafe Amazon Việt Nam
Những bước đi thận trọng này xuất phát từ nhận định về hành vi tiêu dùng khác nhau tại Việt Nam và Thái Lan.
Điển hình là với xu hướng mở kiosk, cửa hàng nhỏ của nhiều chuỗi F&B thời gian qua, ông cho biết Cafe Amazon cũng có mô hình express đã vận hành thành công ở Thái Lan, nhưng thương hiệu đánh giá chưa đến lúc mở những cửa hàng nhỏ như vậy ở Việt Nam.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Quỳnh - CEO Passio cũng nhấn mạnh ở các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Italy hay Mỹ, những cửa hàng cà phê nhỏ lúc nào cũng hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam các thương hiệu ngoại vẫn phải mở cửa hàng lớn vì đây là nhu cầu của khách hàng Việt.
Vì vậy, dù xác nhận mô hình bán mang đi đã giúp chuỗi vượt qua đại dịch nhưng ông cũng cho hay sắp tới sẽ mở thêm một số cửa hàng để tối ưu giá trị thương hiệu đã xây dựng được trong 15 năm qua.
"Chúng tôi tự tin với cách vận hành tinh gọn có sẵn, những cửa hàng có không gian rộng rãi sẽ không chỉ để làm hình ảnh cho thương hiệu mà còn mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh. Trong 6 tháng tới chúng tôi cũng ra mắt thêm sản phẩm mới và công bố các nhà đầu tư chiến lược, song song với kế hoạch 2 năm sau hoàn thiện nhà máy quy mô 3.000 tấn cà phê để xuất khẩu", ông Quỳnh nói thêm.
Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn phát triển cốt lõi chính của thương hiệu là mô hình cà phê mang đi tinh gọn. Tương tự, các chuỗi chuyên bán cà phê mang đi khác như Laha Cafe, Guta Cafe... cũng đang tăng tốc mở rộng chi nhánh nhượng quyền.
Hay Chuk Tea & Coffee khoảng 3 tháng qua cũng đẩy mạnh mô hình mang đi Chuk Express, sau khi tái cấu trúc và đóng cửa một số chi nhánh trên những tuyến đường lớn như Mạc Thị Bưởi (quận 1, TP.HCM), Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM)...