Nội dung chính:
- Việt Nam hiện có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 8 loại gồm chuối, xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít là các loại trái cây được ghi nhận chính ngạch từ phía Trung Quốc từ rất lâu, trước khi có các quy định kiểm dịch chính thức.
- Nghị định thư được ký kết vừa qua giúp tỷ lệ kiểm tra hàng khi thông quan sẽ thấp hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau củ quả lớn nhất của Việt Nam với thị phần hơn 43% trong 9 tháng đầu năm 2022, theo số liệu từ Bộ Công thương.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết Việt Nam có 8 loại trái cây được mặc định ghi nhận được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm chuối, xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít. Việc xuất khẩu chính ngạch 8 loại trái cây này căn cứ vào lịch sử trao đổi thương mại truyền thống lâu năm giữa hai bên.
Nghị định thư cụ thể hóa quy định xuất nhập khẩu
Đến năm 2019, với trái măng cụt, Việt Nam mới có loại trái cây đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư giữa hai bên. Như vậy, đến năm 2019, Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 1 loại (măng cụt) được quy định theo Nghị định thư.
Ngày 1/11 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là việc xem xét hồi tố một loại trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết. Trong thời gian tới, các loại trái cây còn lại cũng sẽ được xem xét và ký Nghị định thư.
Tại thời điểm này, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch gồm chuối, xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh leo và sầu riêng trong đó có 3 loại (chuối, chanh leo và sầu riêng) được ký Nghị định thư.
Nghị định thư về xuất khẩu trái cây về cơ bản là những quy định về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn cho quốc gia nhập khẩu, đảm bảo không có sinh vật gây hại xâm nhập từ các quốc gia khác.
Doanh nghiệp/thương nhân xuất khẩu được hưởng lợi
Trước đây, khi không có nghị định thư quy định chi tiết, phía Trung Quốc vẫn kiểm tra các lô hàng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, và trả về hoặc tiêu hủy khi không đạt chuẩn.
Lãnh đạo Bộ công thương nhận định, việc ký Nghị định thư sẽ giúp tỷ lệ kiểm tra các lô hàng giảm xuống, nhờ vậy giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp và thương nhân xuất khẩu chuối.
Nghị định thư về cơ bản không thay đổi tình hình xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây vẫn là loại trái cây chủ lực của Việt Nam khi xuất khẩu trái cây sang đất nước 1,4 tỷ dân.
Chị Mỹ Lan, thương nhân chuyên xuất khẩu nông sản biên giới phía Bắc cho biết phía Trung Quốc hầu hết tiêu hủy hàng, thay vì trả lại, gây khó khăn cho các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh như chị. Mỗi chuyến xe bị tiêu hủy, thương nhân xuất khẩu sẽ mất trắng, thậm chí âm vốn bởi họ phải mất rất nhiều chi phí để đưa hàng từ vùng trồng quá cảnh qua biên giới.
Trao đổi với phóng viên, bà Võ Thị Mỹ Hạnh, thành viên HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết việc có nghị định thư sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để quản lý hàng hóa xuất khẩu theo các tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra. Hoàng Anh Gia Lai mỗi năm xuất khẩu hàng chục nghìn tấn chuối sang Trung Quốc theo các tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu đưa ra. Xuất khẩu chuối sang Trung Quốc là một trong hai mảng kinh doanh chính mang lại lợi nhuận và dòng tiền cho Hoàng Anh Gia Lai trong hai năm trở lại đây.