Ngày 18/11, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Xin ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý”.
Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2023.
Chuyển quyền định giá một số hàng hóa, dịch vụ cho Bộ chuyên ngành
Theo đại diện ban soạn thảo, bên cạnh Luật Giá hiện có khoảng 19 luật chuyên ngành cũng có những quy định về giá, đặc biệt là các vấn đề về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, thẩm quyền, hình thức, phương pháp định giá. Do đó, một số trường hợp dẫn đến trùng lặp, chồng chéo và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Cũng theo ban soạn thảo, xác định vấn đề Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý gắn với các vấn đề phân công, phân cấp, hình thức và phương pháp xác định giá là nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của dự án Luật Giá lần này. Chính vì vậy, dự thảo luật làm rõ việc phân công, phân cấp quản lý giá, nhất là đối với biện pháp định giá nhà nước.
Toàn cảnh hội thảo xin ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, dự thảo phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành.
Cụ thể, Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Bộ, cơ quan ngang bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định pháp luật; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn theo phạm vi quản lý.
Theo TS. Phạm Văn Bình – Cục Quản lý giá, việc phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành cũng là chủ trương chung của Chính phủ trong việc xây dựng dự án Luật.
"Tại dự thảo Luật cũng tiếp tục chuyển một số việc quản lý hàng hóa, dịch vụ cụ thể, hiện đang thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính cho các bộ chuyên ngành. Việc chuyển thẩm quyền quản lý như vậy là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn lĩnh vực quản lý và được sự đồng thuận của các bộ, ngành", ông Bình cho hay.
Chẳng hạn, dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải chuyển Bộ Giao thông vận tải; dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dành dùng cho động vật, thực vật, dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y chuyển Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập chuyển Bộ Y tế.
Đối với cấp địa phương, do thẩm quyền quản lý được giao cho Ủy ban nhân dân, do vậy, việc giao các sở, ngành thực chất là phân nhiệm vụ tham mưu triển khai.
Thực tế, việc giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, các sở, ngành tại địa phương cũng cơ bản được triển khai như Trung ương. Việc chỉ giao Sở Tài chính thực hiện sẽ rất khó khả thi và nên thực hiện đồng bộ như Trung ương.
Trên cơ sở đó, tại dự thảo Luật Giá sửa đổi bổ sung thêm 1 chương quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, các bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất trong công tác thực hiện.
Quy định này cần được cụ thể hóa để làm rõ hơn vai trò chủ trì, vai trò phối hợp trong thực hiện để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tránh sự đùn đẩy.
Hai mặt hàng được bổ sung vào danh mục nhà nước định giá
Trên cơ sở rà soát, cập nhật Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật giá và các luật chuyên ngành sẽ gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Trong đó, có 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật giá hiện hành.
Còn lại 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật chuyên ngành; trong đó có 17 hàng hóa, dịch vụ cụ thể được chuyển từ phí sang thực hiện định giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí 2015; 18 hàng hóa, dịch vụ được quy định tại các Luật chuyên ngành.
Để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cũng như thực tiễn của công tác quản lý, điều tiết giá, dự thảo luật đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện theo cơ chế giá thị trường; đồng thời, bổ sung thêm 2 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục.
Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ này bao gồm: dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bên cạnh đó là dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp; thuốc lá điếu sản xuất trong nước; thù lao dịch vụ đấu giá; dịch vụ quy hoạch; thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc...
Như vậy, "40 hàng hóa, dịch vụ cần tiếp tục thực hiện cơ chế định giá Nhà nước, Bộ Tài chính cho hay.
Tại dự thảo Luật giá sửa đổi sẽ quy định cụ thể về thẩm quyền định giá từng hàng hóa, dịch vụ, gắn với các hình thức định giá cụ thể. Từ đó, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho công tác triển khai.
Duy trì nhà nước định giá với nhiều mặt hàng
Đối với danh mục, dịch vụ do Nhà nước quản lý, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng hiện nay việc quy định danh mục Nhà nước định giá còn được mở rộng, dàn trải tại nhiều pháp luật chuyên ngành, như Luật phí, lệ phí; Luật giao thông đường bộ...
Việc bổ sung danh mục tại các luật chuyên ngành dẫn đến một số tồn tại, hạn chế trong đó bao gồm cả trùng lặp, chồng chéo.
Trong khi đó, trách nhiệm đầu mối kiểm soát, trình thay đổi danh mục được giao cho Bộ Tài chính thực hiện nhưng một số trường hợp chưa tuân thủ triệt để. Việc bổ sung các mặt hàng vào danh mục chưa đánh giá kỹ khâu tổ chức thực hiện nên tính hiệu quả không cao....
Liên quan đến danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá cụ thể, trong đó có mặt hàng sách giáo khoa, bà Nga đề xuất do mặt hàng này thuộc danh mục kê khai giá, được Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
“Việc áp dụng biện pháp kê khai giá đối với mặt hàng này chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thực tiễn, do vậy, đề xuất đưa vào diện danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá”, bà Nga cho hay.
Đối với nhóm dịch vụ khám chữa bệnh được chia làm 3 dịch vụ chính (dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quỹ bảo hiểm y tế chi trả; dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước không phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước) do là dịch vụ quan trọng thiết yếu nên vẫn cần Nhà nước định giá.
Đối với giá điện bán lẻ bình quân có tính độc quyền nhà nước, việc định giá là phù hợp với quy định và thực tiễn và cần tiếp tục được duy trì.
Do đó, đề xuất tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, tiếp tục quy định tại danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại Luật giá (sửa đổi).
Ngoài ra, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện được định giá; giá phát điện; giá bán buôn điện... đề xuất giữ nguyên như hiện hành.
Đồng thời, bà Nga cũng đề nghị bổ sung giá phân phối điện tại danh mục kèm theo Luật giá (sửa đổi)...