Vào hôm 9/3, khách hàng của ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã cố gắng rút tiền từ ngân hàng có trụ sở ở bang California trước khi các cơ quan kiểm soát tài chính của Mỹ can thiệp để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, sự sụp đổ của SVB đã khiến thị trường tài chính, vốn đang trong tình trạng khó khăn do lãi suất cao, rơi vào hoảng loạn.
Một tuần sau đó, ngân hàng khu vực Signature cũng buộc phải đóng cửa, trong khi ngân hàng thứ 3 là First Republic phải cần tới sự trợ giúp của chính phủ để tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ năm 2008, một ngân hàng có tầm quan trọng lớn với hệ thống tài chính toàn cầu là Credit Suisse đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Một số mối nguy lớn với hệ thống ngân hàng toàn cầu hiện tại đã được hóa giải. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra sau khi các chủ nợ và ngân hàng trung ương đồng ý cung cấp thêm số tiền lớn cho những ngân hàng đang gặp khó khăn.
Thị trường tài chính vẫn đang có dấu hiệu bất ổn. Cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ và châu Âu lần lượt sụt giảm 20% và 13% kể từ phiên giao dịch hôm 8/3.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào hôm 10/3, Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát SVB. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ, đứng sau sự phá sản của Washington Mutual vào năm 2008. Sự sụp đổ của SVB bắt đầu từ 48 giờ trước đó khi ngân hàng này phải bán lỗ trái phiếu để có đủ tiền trả cho người gửi.
Những nỗ lực huy động thêm nguồn tiền sau đó của SVB đã gây ra tâm lý hoảng loạn đối với khách hàng.
Tới ngày 12/3, FDIC cũng buộc phải đóng cửa ngân hàng Signature sau làn sóng tháo chạy của các chủ tài khoản tại doanh nghiệp này. Cả 2 ngân hàng đều có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm lớn.
Sau khi chứng kiến cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse sụt giảm 30% giá trị, trong ngày 15/3, chính phủ Thụy Sĩ đã buộc phải can thiệp, tuyên bố hỗ trợ cho ngân hàng lớn thứ 2 của nước này.
Hành động trên đã giúp làm dịu tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và khách hàng vẫn lo ngại rằng Credit Suisse không có một kế hoạch đáng tin cậy để đảo ngược kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống của ngân hàng này.
Trong diễn biến mới nhất, chính phủ Thụy Sĩ ngày 19/3 đã buộc ngân hàng lớn nhất nước này UBS tiếp quản đối thủ Credit Suisse với giá gần 3,25 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường - trong bối cảnh lo ngại rằng việc không bảo vệ người gửi tiền sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu mới.
Một cái tên khác cũng nổi lên trong tuần không thể tệ hơn của thị trường tài chính toàn cầu là First Republic. Ngày 16/3, ngân hàng First Republic đứng trước nguy cơ sụp đổ do làn sóng rút tiền gửi của khách hàng. Trong cuộc họp tại thủ đô Washington, D.C, giữa Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ông Jamie Dimon, giám đốc ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, một kế hoạch giải cứu ngân hàng First Republic sử dụng nguồn lực tư nhân đã được lập ra.
Theo đó, một nhóm các chủ nợ đã quyết định gửi hàng chục tỷ USD vào First Republic để ngăn tình trạng thất thoát tiền gửi của doanh nghiệp này.
Chi phí giải cứu các ngân hàng?
Gần 200 tỷ USD đã được các ngân hàng trung ương sử dụng. Trong đó, để cam kết bảo đảm tiền gửi cho các chủ tài khoản ở SVB và ngân hàng Signature, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải bỏ ra 140 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã phải cho Credit Suisse vay khẩn cấp 54 tỷ USD để ổn định tâm lý khách hàng.
FED cũng chấp thuận các khoản vay khác với giá trị kỷ lục lên tới 153 tỷ USD cho một số ngân hàng khác trong tuần này. Trước đó, FED từng cho hệ thống ngân hàng vay 112 tỷ USD để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các ngân hàng cũng sử dụng đến chương trình cho vay khẩn cấp trị giá 12 tỷ USD được FED áp dụng vào đầu tuần này nhằm ngăn sự sụp đổ của hệ thống tài chính.
Số tiền 318 tỷ USD được FED cho các tổ chức tài chính tại Mỹ vay tương đương với một nửa giá trị các khoản vay được chấp thuận trong khủng hoảng tài chính gần nhất.
Bên cạnh chính phủ, 11 tổ chức tài chính lớn bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup đã cung cấp nguồn tiền lên tới 30 tỷ USD nhằm củng cố lòng tin của thị trường đối với ngân hàng First Republic.
Ngân hàng HSBC cũng cam kết cung cấp 2 tỷ USD cho chi nhánh tại Anh của SVB. Trước đó, chi nhánh này được HSBC thâu tóm vào hôm 12/3 với giá một bảng.
Tiền của người dân có an toàn?
Những chủ tài khoản có số tiền dưới 250.000 USD tại các ngân hàng Mỹ và được bảo hiểm bởi FDIC không có gì phải lo lắng về tài sản của mình. Những tài khoản chung có số tiền dưới 500.000 cũng được bảo vệ.
Các quốc gia châu Âu cũng đang áp dụng những chương trình tương tự. Tại Thụy Sĩ, những người gửi số tiền ít hơn 108.000 USD sẽ được bảo hiểm.
Các khách hàng của những ngân hàng đã sụp đổ ở Liên minh châu Âu có thể nhận lại số tiền lên tới 105.431 USD. Những chủ tài khoản chung sẽ được bồi thường ở mức tối đa là 210.956 USD.
Tại Anh, người gửi có thể được hoàn lại khoản tiền lên tới 102.484 USD nếu ngân hàng của họ phá sản. Con số này là gấp đôi với các chủ tài khoản chung.
Quá trình vay tiền có trở nên khó khăn hơn?
Các ngân hàng đang chịu áp lực tài chính lớn sẽ chú ý kỹ hơn đến khả năng chi trả của những đối tượng vay tiền, dù đó là các doanh nghiệp hay cá nhân.
"Nếu các ngân hàng đang chịu áp lực lớn, họ sẽ không muốn cho vay", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen trả lời Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ vào hôm 16/3.
Trả lời phóng viên vào cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết "tình trạng căng thẳng kéo dài trên thị trường" sẽ khiến các điều kiện cho vay trở nên khó khăn hơn do các ngân hàng vốn đang phải chịu áp lực từ lãi suất tăng cao.
Nguy cơ suy thoái
"Tình trạng khó khăn của hệ thống tài chính có thể trở thành một rủi ro lớn đối với nền kinh tế", bà Yellen trả lời Thượng viện Mỹ.
Goldman Sachs hôm 15/3 cho biết áp lực lớn của ngành ngân hàng sẽ tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong vòng 12 tháng tới. Ngân hàng này dự báo nền kinh tế Mỹ có 35% nguy cơ bước vào một cuộc suy thoái trong một năm tới, tăng từ mức 25% trước đó.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm tỷ lệ tiền dự trữ của các ngân hàng tại nước này nhằm đảm bảo lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế.