Sau khi tăng học phí, Đại học Tokyo vấp phản làn sóng phản đối từ sinh viên. Ảnh: Mainichi.
Nhờ chuyển đổi kỹ thuật số, các trường đại học trên toàn thế giới mạnh tay đầu tư để theo kịp tiến bộ công nghệ. Trong khi đó, ở Hàn Quốc và Nhật Bản, những hạn chế về mặt tài chính là đặt ra loạt thách thức cho các trường đại học.
Ông Kim Kyuseok, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục của Đại học Hàn Quốc, nói rằng việc đóng băng học phí trong nhiều năm tại Hàn Quốc khiến các cơ sở giáo dục đại học nước này gặp khó khăn tài chính. Trong khi đó, Nhật Bản lại phải đối mặt với những phản đối về đề xuất tăng học phí.
Khủng hoảng vì không thể tăng học phí
Tại Nhật Bản, Đại học Tokyo vấp phải sự phản đối của sinh viên vì cân nhắc tăng học phí kể từ năm 2025.
Năm 2004, Nhật Bản cải cách giáo dục đại học, các trường đại học quốc gia được tái cơ cấu thành các tập đoàn đại học nên học phí mỗi trường được Bộ trưởng Giáo dục quy định.
Theo đó, nếu Đại học Tokyo tăng học phí, các trường khác cũng sẽ bị tác động.
Các trường đại học ở Nhật Bản và Hàn Quốc gặp khó khăn vì không tăng học phí. Ảnh minh họa: Yonhap.
Không riêng sinh viên phản đối, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng việc tăng học phí có thể gây bất bình đẳng và khiến những học sinh thu nhập thấp bị hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học.
Vấn đề học phí ở Hàn Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Sau khi đóng băng học phí vào năm 2009, các đại học công lập và tư thục đều phải vật lộn với những khó khăn tài chính.
Tại nước này, việc giữ nguyên học phí là khuyến nghị của chính phủ, nhưng thực tế là bắt buộc. Chính phủ gây áp lực, buộc các trường không tăng học phí và có thể bị phạt nếu không tuân thủ.
Do phụ thuộc nguồn tài trợ của chính phủ, các trường phải miễn cưỡng nghe theo quy định này.
Nhưng kể từ năm 2022, do đã quá tuyệt vọng, một số trường bắt đầu tính đến chuyện tăng học phí. Và vào năm 2023, 26 trường đại học tư thục ở nước này thông báo tăng học phí cho năm học 2024.
Giải thích cho việc tăng học phí, các trường cho biết việc đóng băng học phí sẽ hạn chế khả năng cải thiện cơ sở vật chất, khó thu hút giảng viên hàng đầu và không thể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Bài toán khó
15 năm đóng băng học phí đã làm thay đổi chiến lược tăng doanh thu của các trường đại học Hàn Quốc. Do thiếu nguồn thu từ học phí, các trường buộc phải tranh giành nguồn tài trợ từ chính phủ.
Theo Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc, vào năm 2023, học phí thực tế của các chương trình đại học chính quy thấp hơn khoảng 23% so với năm 2008.
Học phí là bài toán khó của các trường đại học. Ảnh: Shutterstock.
Chính sách "giảm một nửa" học phí đại học khiến nguồn thu của các trường giảm đáng kể. Cụ thể, đại học tư thục thiếu hụt nguồn thu lên đến 2,1 nghìn tỷ won (khoảng 1,5 tỷ USD) còn đại học công lập cũng bị thiếu hụt 380 tỷ won (tương đương 275 triệu USD).
Khi thiếu nguồn thu, các trường chọn cách tăng học phí của sinh viên quốc tế và sinh viên hệ sau đại học - những đối tượng thường bị bỏ qua trong các cuộc tranh luận về chính sách học phí.
Cũng vì tuyển sinh viên quốc tế ồ ạt để tạo doanh thu, Hàn Quốc gặp phải một số vấn đề tiêu cực như người cư trú bất hợp pháp ngày càng tăng.
Ông Kim Kyuseok nêu rằng giáo dục đại học ở Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng như quy trình tuyển sinh gắt gao, chịu nhiều ảnh hưởng từ chính phủ nên quyền tự chủ có nhiều hạn chế so với các trường đại học phương tây.
Hai nước này cũng đang phải vật lộn với những thách thức về nhân khẩu học vì dân số già hóa, tỷ lệ sinh giảm và số lượng học sinh muốn vào đại học ngày càng thu hẹp.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học cũng đặt ra những vấn đề liên quan sự bền vững cho hệ thống giáo dục, buộc các chính phủ phải xem xét lại chính sách giáo dục.
Ở cả hai quốc gia, tranh luận về chính sách học phí đại học cũng phản ánh mối quan ngại lớn hơn vấn đề dân số, đó chính là tính bền vững và khả năng tiếp cận giáo dục đại học.
Hiện, áp lực tài chính khiến Hàn Quốc và Nhật Bản đau đầu vì chưa có giải pháp. Tăng học phí có thể cải thiện chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng, nhưng sẽ khiến bất bình đẳng giáo dục thêm trầm trọng.
Trong khi đó, giữ học phí có thể đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi đối tượng, nhưng lại khiến các trường gặp căng thẳng tài chính, từ đó có thể khiến chất lượng giáo dục đi xuống.
Ông Kim Kyuseok đề xuất các nhà hoạch định chính sách cần xem xét việc tăng học phí để đảm bảo khả năng bền vững tài chính nhưng vẫn không gây bất bình đẳng giáo dục. Khi Hàn Quốc và Nhật Bản vượt qua những thách thức này, kinh nghiệm của họ sẽ mang lại bài học quý giá cho các quốc gia khác.
"Thị trường, các tổ chức giáo dục đại học và chính phủ phát triển ra sao đều sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học cũng như nền kinh tế quốc gia của mỗi quốc gia", ông Kim nói với EAS.