Trong năm qua, phần lớn những biến động trên thị trường bắt nguồn từ cuộc chiến giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhiều người đã chỉ trích cơ quan này đưa ra chính sách tiền tệ sai lầm. Các ý kiến cho rằng lạm phát cao dai dẳng là do ngân hàng trung ương đã “sai” khi dỡ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng một cách chậm chạp.
Những lời chỉ trích này không hẳn là vô lý. Nhưng giả sử FED hãm phanh nền kinh tế ngay khi lạm phát bắt đầu nóng lên vào năm 2021, thì nền kinh tế Mỹ hiện tại sẽ ra sao?
Nếu động thái đó có hiệu quả và lạm phát giảm nhanh chóng, nền kinh tế chưa chắc đã mạnh như hiện tại. Xét cho cùng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ là để giảm nhu cầu, đồng nghĩa với việc thị trường lao động có thể sẽ không nở rộ như hiện tại.
Vậy mọi người liệu có cảm thấy ổn nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng?
Một điều cần lưu ý là số người tìm được việc làm trong thời kỳ lạm phát cao này là rất lớn. Số tiền mà họ kiếm được đang khiến cho lạm phát duy trì ở mức cao, vì họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn.
Rõ ràng, việc tưởng tượng ra kết quả nền kinh tế khi FED hành động sớm hơn là một điều phi thực tế. Không có cách nào để biết chính xác mọi chuyện sẽ ra sao trong các tình huống giả định.
Nhưng việc mường tượng ra một thế giới có lạm phát gần với mức mục tiêu 2% của FED cũng không hẳn là phi lý. Hiện nay, các ngân hàng trung ương đã nhanh chóng hành động để hãm phanh nhu cầu.
Tuy nhiên, thật khó để hình dung ra cách FED đạt được mục tiêu 2% mà không khiến cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Giới chức Mỹ có hai lựa chọn: Lạm phát vừa phải với 147 triệu người có việc làm, hoặc để 155 triệu người có việc làm vật lộn với lạm phát cao.
Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn liệu có tốt hơn? 2 triệu việc làm đã được tạo ra trong 6 tháng qua, vậy nếu không thuê 2 triệu người đó thì tình hình sẽ ra sao?
Rõ ràng, nền kinh tế không đơn giản chỉ xem xét qua dữ liệu là được. Nếu ai muốn chỉ trích rằng FED đã sai trong cách thực hiện chính sách tiền tệ, thì chứng tỏ họ cũng cho rằng không nên thúc đẩy môi trường tạo ra hàng triệu việc làm như hiện tại.
Dưới đây sẽ là một số dữ liệu đáng chú ý trước khi báo cáo việc làm hàng tháng tiếp theo được công bố.
Lạm phát hạ nhiệt
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 2 tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm so với mức 5,3% của tháng 1. PCE lõi – thước đo lạm phát được FED ưa chuộng – đã tăng 4,6% trong tháng 2, sau khi tăng 4,7% trong tháng trước.
Điểm mấu chốt là khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm, chúng vẫn cao hơn mục tiêu của FED là 2%.
Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0,2%
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 0,2% trong tháng 2. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu thực tế đã giảm 0,1%. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi mạnh tay.
Giá nhà giảm
Theo chỉ số giá nhà của S&P, giá nhà đã giảm 0,5% so với tháng 1, tháng thứ 7 giảm liên tiếp.
Giám đốc Craig Lazzara của nhóm Quản lý sản phẩm cốt lõi tại S&P Dow Jones Indices (S&P DJI), cho rằng tin tức tài chính trong tháng này bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi trong ngành ngân hàng thương mại. Chức năng quản lý rủi ro của một số tổ chức không tương xứng với mức tăng lãi suất.
Dù vậy, FED vẫn tập trung vào các mục tiêu giảm lạm phát. Điều này cho thấy lãi suất vẫn có thể tăng trong thời gian tới. Do đó triển vọng kinh tế suy yếu vẫn có thể sẽ là những cơn gió ngược đối với giá nhà đất trong ít nhất một vài tháng tới.
Đơn trợ cấp thất nghiệp ở mức thấp
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 198.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 25/3. Mặc dù cao hơn so với mức thấp kỷ lục trong vòng 60 năm là 166.000 đơn vào tháng 3/2022, số đơn này vẫn ở mức thấp trong thời kỳ mở rộng kinh tế.
Niềm tin người tiêu dùng được cải thiện
Theo tổ chức Conference Board, niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện phần nào trong tháng 3, nhưng vẫn ở mức dưới trung bình ghi nhận vào năm 2022. Mức tăng phản ánh niềm tin của người tiêu dùng dưới 55 tuổi và có thu nhập từ 50.000 USD trở lên.
Song, người tiêu dùng vẫn không mấy lạc quan về bối cảnh hiện tại. Nhiều người cảm thấy cơ hội việc làm đang giảm xuống và kỳ vọng của họ về lạm phát trong 12 tháng tới vẫn duy trì ở mức cao.
Dòng tiền gửi ngân hàng nhỏ ổn định
JPMorgan nhận xét về bản báo cáo H.8 của FED (báo cáo về bảng cân đối kế toán hàng tuần cho các ngân hàng thương mại Mỹ): “Tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ đã tăng 6 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 22/3”. Trong khi đó, những ngân hàng lớn hơn ghi nhận số tiền gửi giảm 90 tỷ USD trong tuần gần nhất.
Tóm lại mặc cho những hỗn loạn trong ngành ngân hàng, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm. Lạm phát sẽ giảm xuống tầm kiểm soát mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái.
FED gần đây đã bớt diều hâu hơn khi báo hiệu đợt tăng lãi suất sắp kết thúc. Nhưng lạm phát vẫn phải giảm đến khi FED thấy hài lòng với mức giá cả. Vì vậy, ngân hàng trung ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và người dân Mỹ sẽ cần chuẩn bị trước khi các điều kiện tài chính bị siết chặt hơn.
Những điều kể trên có thể khiến thị trường tiếp tục lao dốc trong thời điểm hiện tại và nguy cơ nền kinh tế chìm vào suy thoái sẽ tương đối cao.
Song, điều quan trọng cần nhớ là trong khi rủi ro suy thoái tăng cao, người tiêu dùng lại đang có tình hình tài chính rất tốt. Nhiều người thất nghiệp tìm được việc làm, còn những người đang làm thì được tăng lương. Họ vẫn có khoản tiết kiệm để sử dụng. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để gióng hồi chuông cảnh báo từ góc độ tiêu dùng.
Tại thời điểm này, bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng khó có thể biến thành thảm họa kinh tế, do sức khỏe tài chính của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn rất tốt.
Và như mọi lần, các nhà đầu tư dài hạn cần nhớ rằng suy thoái kinh tế và thị trường gấu là một phần của quá trình đầu tư. Khi thị trường trải qua vài năm khá khó khăn, triển vọng dài hạn của cổ phiếu vẫn sẽ tích cực.
Tham khảo: Yahoo Finance