Sau nhịp rung rũ khi tin hạ lãi suất công bố, VN-Index tăng liền mạch ba phiên liên tiếp. Tính từ đầu tháng 5 tới nay, thị trường đã bứt phá hơn 8% để leo lên 1.125 điểm - mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Tuy nhiên, trước ngưỡng cản “cứng đầu” 1.125, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước xu hướng của chỉ số.
Thị trường đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố
Bàn về xu hướng này, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng diễn biến tăng điểm của thị trường đến từ một số nguyên nhân.
Thứ nhất, các chính sách vĩ mô hiện đã có xu hướng nới lỏng, thể hiện qua việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước 4 lần kể từ đầu năm nay, hay việc Chính phủ thực hiện tháo gỡ nút thắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm khơi thông thanh khoản trong nền kinh tế. Đây là điều kiện cần để hoạt động sản xuất – kinh doanh được khôi phục.
Thứ hai, trong môi trường lãi suất cho vay xuống thấp, dòng tiền sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn. Kết hợp với xác suất xuất hiện các sự kiện tác động lớn khiến thị trường giảm điểm không còn lớn như thời gian trước, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại trong 1-2 tháng gần đây.
Điều này thể hiện qua (1) thanh khoản thị trường phục hồi về mức 15-17 nghìn tỷ đồng/phiên (so với giai đoạn trước có thời điểm chỉ 8-10 nghìn tỷ đồng/phiên); (2) số tài khoản mở mới trong tháng 5 đạt mức 100.000 tài khoản, mức cao nhất từ tháng 9/2022 - thời điểm trước khi thị trường có cú “sập” mạnh.
Thứ ba, yếu tố vĩ mô quốc tế có sự khởi sắc, đặc biệt tại Mỹ đã có chiều hướng tích cực hơn sau khi FED thực hiện nâng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp. Điều này được thể hiện qua chỉ số lạm phát và lạm phát lõi đều có xu hướng giảm và có thời điểm thấp hơn dự báo giới chuyên gia. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đã tăng trở lại trong các tháng gần đây, do đó dư địa điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn so với thời gian trước.
Điều chỉnh là cơ hội gia tăng tỷ trọng
Mặc dù thị trường đã có một nhịp tăng dài trước đó, nhưng chuyên gia Agriseco cho rằng xu hướng tăng điểm nhìn chung vẫn sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, trong quá trình tăng giá, những nhịp điều chỉnh là cần thiết để cân bằng cung - cầu thị trường.
Trước mắt, vùng 1.125 điểm vẫn đang là kháng cự quan trọng mà thị trường cần phải vượt qua – do đây là ngưỡng cản thị trường đã kiểm định 3 lần trước đó nhưng chưa vượt qua. Xét trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index vẫn đang đi sát dải MA10, cho thấy xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn có thể được duy trì thời gian tới.
Ông Khoa cũng đánh giá rủi ro chính có thể khiến thị trường xuất hiện nhịp giảm điểm mạnh đến từ 2 yếu tố. Đầu tiên là liên quan tới yếu tố trong nước là kết quả kinh doanh Quý 2 của các doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn sẽ giảm so với cùng kỳ do cùng kỳ vẫn là mức nền cao về KQKD. Tuy nhiên nhà đầu tư nên chú ý hơn tới mức độ phục hồi KQKD so với Quý 1.
Bên cạnh đó, về yếu tố quốc tế, rủi ro suy thoái nền kinh tế vẫn còn hiện hữu, đặc biệt tại các quốc gia Châu Âu khi lạm phát vẫn đang neo cao mặc dù đã thực hiện thắt chặt lãi suất. Về dài hạn, xung đột địa chính trị tại Nga – Ukraine vẫn là yếu tố cần chú ý.
Dù vậy, vị chuyên gia đánh giá diễn biến thị trường đang có xu hướng tốt dần lên, nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân. Tuy nhiên, với việc một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã ghi nhận đà tăng tương đối mạnh trong thời gian trước, áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện.
Nhà đầu tư "lướt sóng" nếu đang có vị thế lãi chưa thực hiện có thể chốt lời một phần và chờ mua tăng tỷ trọng tại nhịp điều chỉnh với các nhóm ngành: Xây dựng - vật liệu, Chứng khoán, Bất động sản. Đối với nhà đầu tư trung – dài hạn, nhà đầu tư có thể chú ý tới một số nhóm ngành có câu chuyện đảo chiều phục hồi KQKD nửa cuối năm, như nhóm Dịch vụ (Bán lẻ, Hàng không), Chứng khoán, Chăn nuôi, Thép.