TTCK Việt Nam vừa trải qua năm 2022 đầy biến động với không ít khó khăn cho nhà đầu tư. Tuy vậy, sau một năm khó khăn, cơ hội dần được mở ra trong năm 2022 với điểm sáng từ đầu tư công, lãi suất tăng chậm lại hay lạm phát dần được kiểm soát. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trong năm Quý Mão 2023.
BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông đã thấy, một năm 2022 nhiều khó khăn đã qua đi, năm Quý Mão 2023 đã đến, theo các ông đây là một năm như thế nào?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Nhìn lại năm 2022 thì đây là một trong những năm rất khó khăn của nhà đầu tư, có thể so sánh với những năm như 2007, 2008 hay giai đoạn 2010, 2011 và 2018. Có cùng những yếu tố khó khăn bên ngoài và bên trong. Yếu tố bên ngoài chúng ta thấy các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới cũng là những bạn hàng lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu đều đang ở trong tình trạng khó khăn nhất định.
Phía Châu Âu lãi suất gia tăng liên tục, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm và lạm phát vẫn đang ở mức khá cao. Phía Mỹ mặc dù tốc độ tăng lãi suất đã chậm lại, nhưng vẫn còn tăng. Còn trong nước, 2022 là một năm hiếm có vì xảy ra đồng loạt những yếu tố tương đối bất lợi với thị trường như tỷ giá có những biến động nhất định, lạm phát gia tăng hơn so với mọi năm. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, liên quan đến thị trường bất động sản và những vụ việc khác khiến cho thị trường có những đợt giảm điểm khá mạnh. Nhưng tôi nghĩ rằng “trong nguy có cơ”. Chính vì những yếu tố tương đối xấu đã diễn ra rồi và dần dần thị trường bắt đầu thích nghi và có những yếu tố cải thiện, đặc biệt về mặt chính sách của Chính phủ đã có sự cải thiện và hướng tới giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang có. Do đó, tôi nghĩ rằng 2023 sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Nếu tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập đến nay, thị trường đã trải năm Mão nào hay chưa và những năm đó thị trường ra sao?
Thị chứng khoán Việt Nam chúng ta mới có một khoảng thời gian không dài quá so với thị trường các nước, mới hơn 20 năm. Chính vì thế chúng ta mới trải qua một năm Mão trước đây đó là vào năm 2011. Năm đó, lạm phát rất cao, đã lên tới xấp xỉ 20%, lãi suất ngân hàng cũng ở mức rất cao, 18 đến 20%, ngoài ra, tỷ giá cũng tăng…phải gọi là một năm thực sự khó khăn với toàn cầu và cực kỳ khó khăn ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chứng khoán cũng có một biến động rất lớn và mức độ suy giảm cuối năm khoảng 27%.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đang có những khó khăn nhất định. Lạm phát cao là 4,5%, hoặc khó khăn về tỷ giá, những vấn đề khó khăn hơn về thị trường trái phiếu hay về thị trường bất động sản cũng tương tự như vậy. Nhưng điểm mà chúng tôi nhấn mạnh là tiềm lực kinh tế của Việt Nam so với cách đây 12 năm đã khác rất nhiều. Chúng ta có dự trữ ngoại hối tương đối tốt, chúng ta có tăng trưởng tích lũy của hơn 12 năm. Và đặc biệt, mức độ linh hoạt và những bài học chúng ta đã trải qua khiến cho những người làm chính sách thực hiện công việc một cách có kinh nghiệm hơn rất nhiều.
Và năm 2011 là một năm thị trường lúc đấy cũng tạo đáy và sau đó tăng điểm khá mạnh, khoảng 17, 18% so với đầu năm. Tôi nghĩ năm nay cũng là một năm có những chuyển biến như vậy. Tất nhiên sẽ khó để có thể nói là tất cả các ngành nghề đều diễn biến như nhau. Nhưng tôi nghĩ, thời điểm hiện tại cũng là thời điểm mà “trong nguy có cơ” nên nhà đầu tư cũng không nên bi quan quá.
Năm Mão thường tượng trưng cho sự khéo léo, uyển chuyển và sung túc…Tuy nhiên, trên thực tế năm nay được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông thì sao?
Đối với cả tình hình quốc tế thì một vấn đề rất quan trọng, đó là liên quan đến lãi suất. Năm ngoái, mọi người cũng biết là FED đã tăng lãi suất điều hành 7 lần. Trong đấy có nhiều lần tăng đến 0,75%. Tuy nhiên, gần đến cuối năm, các yếu tố về mặt lạm phát bắt đầu hạ nhiệt ở cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Và những thông điệp của FED cũng cho thấy họ sẽ bắt đầu có mức độ gia tăng chậm hơn. Và nếu như lãi suất tạo đỉnh và có những yếu tố suy thoái xảy ra, người ta bắt đầu cân nhắc đến việc có thể hạ lãi suất xuống, lúc đấy là cơ hội để các tài sản tài chính được định giá và gia tăng trở lại. Đấy là một điểm rất quan trọng, gần như gọi là “Turning Point” của năm sau.
Còn trong nước, những yếu tố liên quan đến mặt bằng lãi suất, cùng với mức tỷ giá của chúng ta cũng có những biến động khá lớn vào khoảng tháng 10, 11 năm ngoái, và như vậy sức ép về mặt bằng lãi suất vẫn là có. Và doanh nghiệp hay người đi vay đang phải chịu một mức lãi suất cao hơn khá nhiều so với cả đầu năm ngoái. Chúng tôi nghĩ rằng là năm 2023 cũng là một năm cực kỳ quan trọng vì chúng ta sẽ nhìn lại xem những yếu tố thế giới có đang nguội đi nhanh chóng hay không, cộng với đó là sức ép liên quan đến lạm phát trong nước, trái phiếu…Nhưng tôi nghĩ dù còn nhiều thách thức nhưng khi rất nhiều người bắt đầu bi quan về thị trường thì lúc đấy là lúc mà thị trường sẽ có những dấu hiệu tạo đáy nhất định.
Vậy đâu là những điểm sáng trong năm Quý Mão 2023?
Có hai điểm sáng cho thị trường năm 2023. Điểm thứ nhất là đầu tư công, thực ra, năm 2021 và 2022 là năm không thuận lợi trong quá trình đầu tư công. Lý do là ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì vấn đề tăng giá của rất nhiều loại nguyên vật liệu. Và nếu như cộng hai cái này với các kế hoạch giải ngân chính thức của năm nay sẽ là con số lớn hơn nhiều so với 2020 và 2021. Tôi nghĩ mức tăng trưởng về giải ngân đầu tư công khoảng 500.000 tỷ đồng cho đến hơn 600.000 tỷ đồng, tăng từ 10 30% so với giải ngân của năm ngoái.
Ngoài ra, hai năm vừa rồi là hai năm Trung Quốc rất chặt chẽ với những chính sách liên quan đến kiểm soát dịch bệnh covid. Sang đến năm mới, họ bắt đầu chính thức nới lỏng những biện pháp đó. Như vậy, cùng với sự phục hồi chung của Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi kinh tế của quốc gia này. Tôi nghĩ đấy là hai điểm rất là quan trọng.
Các nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị những gì để đầu tư hiệu quả trong năm Quý Mão?
Sau một năm rất khó khăn là 2022, tôi cũng hy vọng rằng nhà đầu tư sẽ học được những bài học quan trọng liên quan đến thứ nhất là quản trị rủi ro và thứ hai là liên quan đến việc phân bổ đầu tư vào các kênh để không rơi vào tình trạng bị “Call Margin” hay rơi vào tình trạng bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ.
Và tôi cho rằng là nếu như chúng ta có được những phần chuẩn bị tốt như vậy và rút kinh nghiệm từ năm 2022 thì tôi nghĩ là năm 2023 sẽ là một năm rất nhiều cơ hội. Theo báo cáo của BSC, nhà đầu tư có nhiều cơ hội, chẳng hạn như đầu tư công chắc chắn sẽ được kích thích để giúp chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng tốt vào năm nay, sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho những ngành liên quan, chẳng hạn như vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, yếu tố thứ hai là khi phục hồi kinh tế của Trung Quốc thì mức độ tiêu thụ của rất nhiều hàng hóa sẽ gia tăng, chẳng hạn như năng lượng, lương thực, thực phẩm, thịt lợn,…
Ngoài ra, yếu tố thứ ba, tôi nghĩ yếu tố này chúng ta vẫn phải chờ nhưng khi bắt đầu nhận ra dấu hiệu lạm phát sẽ tiếp tục giảm ở các thị trường lớn, cộng với tỷ giá ổn định và lãi suất của các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng chậm dần và bắt đầu có dấu hiệu có thể giảm đi. Chúng ta nhìn thấy là đợt suy giảm của thị trường vừa qua, những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm bất động sản, chứng khoán và thậm chí cả cổ phiếu ngân hàng nữa bắt đầu sẽ phục hồi, tất nhiên không phải cổ phiếu nào cũng phục hồi giống nhau.