Sau nhiều năm chuẩn bị, UBND TP Đà Nẵng đã khởi công hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án cảng Liên Chiểu (tại phường Hòa Hiệp Bắc). Cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt, hoàn thành trước năm 2025.
Theo đánh giá, khi cảng Liên Chiểu hình thành sẽ là đầu mối giao thông lớn, kết nối tất cả phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đến năm 2050, cảng sẽ đạt công suất 50 triệu tấn/năm. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa của khu vực sau này, thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng đúng với mục tiêu là thành phố động lực vùng.
Đòn bẩy phát triển kinh tế của khu vực
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi dự lễ khởi công dự án đã nhận định với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Khu vực cảng thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố. Đây sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.
Trao đổi với Zing, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định Đà Nẵng đã và đang có hệ thống giao thông khá đồng bộ. Việc triển khai các đoạn tuyến cao tốc, cảng nước sâu sẽ là một bước tiến để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng có tiềm lực lớn trong cả nước và khu vực.
“Khi các dự án được đầu tư thành công sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như các nước trong khu vực”, TS. Ngô Viết Nam Sơn nói và nhận định.
Mở rộng vấn đề, ông Sơn cho hay cảng Liên Chiểu hình thành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển mạng lưới hạ tầng cảng biển của nước ta, nhằm tận dụng lợi thế địa lý phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Giám đốc nhiều doanh nghiệp cho hay khi dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng đi địa phương khác và ngược lại.
Ông Nguyễn Hùng Bình (là tài xế container, ngụ Thừa Thiên - Huế) nói vị trí cảng Liên Chiểu chỉ cách quốc lộ 1 khoảng 1 km và đường tránh 3 km nên rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
"Lâu nay, chúng tôi phải đi qua nội thành vào cảng Tiên Sa chở hàng với quảng đường 2 chiều chừng 60 km. Nếu cảng Liên Chiểu xây xong thì tài xế không phải di chuyển vào nội thành để đến cảng Tiên Sa như hiện nay, sẽ tiết kiệm được quảng đường dài khi ra vào cảng chở hàng đi các tỉnh thành khác", ông Bình nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, lưu ý khi làm cảng phải đặc biệt tính đến năng suất vận chuyển hàng hóa tương xứng với năng lực sản xuất và diện tích phát triển.
Tức là nếu cảng Liên Chiểu kết nối xuyên Á thì phải đảm bảo được lượng hàng hóa cam kết sử dụng dịch vụ của mình là bao nhiêu. Theo ông Sơn, đây là bài toán kinh tế nên chủ đầu tư cần cẩn trọng, phải phân kỳ hạng mục đầu tư, lượng hàng phù hợp đến đâu thì phát triển đến đó.
Vị chuyên gia này cũng nói khi xây cảng thì phải làm luôn hạ tầng kết nối. "Ví dụ như đường sắt vận tải hàng hóa vô cảng, đường cao tốc, đường bộ… Bên cạnh đó, hệ thống cảng liên kết với các cảng trong khu vực như thế nào cũng phải được tính toán", ông Sơn nói.
Bất động sản có thể khởi sắc
Ông Nguyễn Tuấn, giám đốc một công ty bất động sản ở Đà Nẵng, kỳ vọng nơi có các dự án lớn, giá đất vùng lân cận sẽ tăng. Bằng chứng là khu vực xây cảng ở phường Hòa Hiệp Bắc đã tăng giá khá trong những năm vừa qua.
“Hai năm trước, khi có thông tin xây dựng dự án cảng Liên Chiểu thì giá đất ở đây đã tăng rồi. Trước đây, 100 m2 đất ở có giá khoảng 1 tỷ đồng. Hai năm nay thì giá đất đã tăng và khả năng sẽ còn tăng thêm khi ngân hàng nới lỏng việc cho vay”, ông Tuấn nói thêm.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng, cho hay cảng Liên Chiểu sẽ tạo động lực để phân khúc bất động sản logistics, bất động sản kho tàng, hậu cần phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo chuyên gia này, trong thời gian tới phân khúc bất động sản nhà ở cho thuê để phục vụ cho lao động trong quá trình xây dựng dự án sẽ có chuyển biến rõ rệt nhất trong giai đoạn thị trường khó khăn này.
"Với tình hình thị trường tài chính nhiều khó khăn cộng với tâm lý phòng thủ bao trùm trên toàn thị trường hiện nay, trong ngắn hạn sẽ chưa tạo nhiều sự thay đổi cho thị trường khu vực này. Nhưng về trung hạn, tôi tin sẽ có nhiều thay đổi cho thị trường nơi đây", ông Lập nhận định.
Cảng Liên Chiểu gồm 2 hợp phần. Hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và Đà Nẵng.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44 ha, quy mô 2 cầu cảng (750 m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.