Sẽ có luật đánh thuế đối với nhà đất vào năm 2024
Bộ Tài chính vừa có quyết định phê duyệt chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Theo quyết định này, Bộ Tài chính lên kế hoạch trong năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét và năm 2024 ban hành Luật thuế liên quan đến tài sản. Sau khi Quốc hội ban hành luật này, năm 2024, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thuế liên quan đến tài sản.
Về định hướng xây dựng Luật thuế liên quan đến tài sản, Bộ Tài chính cho rằng sẽ rà soát thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Quan điểm tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.
Dù đánh giá cao đề xuất áp dụng điều luật thu thuế nhà và tài sản, thế nhưng, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay đề xuất này sẽ còn nhiều vấn đề làm làm rõ, giải quyết để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Những vấn đề đặt ra
Thực tế cho thấy, câu chuyện thu thuế tài sản không phải vấn đề đến nay mới được đặt ra, từ tháng 4/2018, Bộ Tài Chính cũng từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản.
Khi đó, Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên và với nhà ở, là hai phương án đánh thuế: một là đánh thuế với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là đánh thuế nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Việc thu thuế tài sản, nhà đất, nhất là đối với căn nhà thứ 2 trở lên được cho là để hạn chế tình trạng các khu đô thị bỏ hoang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, việc xác định đối tượng đánh thuế là không đơn giản.
Theo các chuyên gia, dưới góc nhìn của luật pháp, việc áp dụng điều luật đánh thuế nhà và tài sản là hoàn toàn đúng đắn, nhất là khi đánh thuế nhà và tài sản sẽ góp phần làm công khai, minh bạch kinh tế xã hội, đồng thời cũng là biện pháp để công khai tài sản của toàn bộ người dân, đặc biệt, là những cán bộ công chức để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, tham ô của cải cho riêng mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay,các chuyên gia cũng cho rằng, để hiện thực hóa được lộ trình mà Bộ Tài chính đặt ra đối với việc thu thuế tài sản, đặc biệt là nhà đất thì vẫn còn một số vấn đề cần sớm tìm lời giải.
Theo chuyên gia kinh tế - Nguyễn Minh Phong, vấn đề đầu tiên cần làm rõ là nội hàm về tài sản chịu thuế, cách xác định đảm bảo sự công bằng, hợp lý.
Cụ thể, hiện nay chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà”, “căn nhà thứ 2”, “căn nhà thứ 3”... Do đó, TS. Phong cho rằng nếu quy định thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...
Cũng theo TS. Phong, chẳng hạn như đối với thu thuế nhà đất, không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục trăm triệu đồng với căn biệt thự cả vài chục tỷ đồng, cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba của một chủ sở hữu mà tổng giá trị của chúng không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn nhưng không phải chịu thuế do đây là ngôi nhà thứ nhất.
“Đặc biệt, với những tài sản ‘của chìm’, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao? Chưa kể, việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế bắt tay, cố tình khai báo giả để trốn thuế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thuế là một trong những chính sách quan trọng của kinh tế vĩ mô và chính sách công nên cần hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội.
Những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã gây ra những khó khăn cho nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng, nếu áp quá nhiều chính sách thuế sẽ “bào mòn” sức dân”.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Thay vì quan tâm quá nhiều đến nội dung và hiệu quả của đề xuất thu thuế này thì cần để ý đến một điểm rằng tại sao đã được đưa ra đề xuất và bàn bạc rất nhiều lần mà vẫn không thể áp dụng việc đánh thuế vào thực tiễn.
“Nếu khả thi như vậy tại sao chưa làm, điều luật này đã được đem ra tranh cãi cũng như bàn luận từ nhiều năm nay đến cuối cùng đều bị bác bỏ. Tôi nghĩ cũng sẽ rất lâu nữa mới có thể áp dụng được điều luật này vì còn nhiều bất cập”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn thu từ thuế tài sản không quá lớn, chủ yếu các nước thu từ thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ làm thay đổi nhiều thứ, từ thói quen tiêu dùng đến hành vi mua, bán nhà. Vì thuế tài sản hàng năm nặng nề mà nhiều người có thể phải tạm gác lại nhu cầu mua nhà để chuyển sang đi thuê, việc áp thuế nếu thực hiện sẽ làm thị trường bất động sản trầm lắng trong giai đoạn tới.
Hiện nay Việt Nam đang áp dụng nhiều khoản thuế, phí, liên quan đến bất động sản như tiền sử dụng đất, về bản chất cũng là một loại thuế tài sản mà chủ sở hữu mảnh đất phải nộp cho Nhà nước, nếu bổ sung thêm thuế tài sản mà vẫn giữ các loại thuế cũ sẽ dẫn tới thuế chồng thuế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh