Thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc đang kéo theo nhiều hệ lụy khốc liệt, một trong số đó là những căng thẳng của làn sóng bán giải chấp (force sell) tại nhiều doanh nghiệp quy mô lớn.
Gần đây là trường hợp Chủ tịch công ty Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng đã bị bán giải chấp hơn 3,8 triệu cổ phiếu LDG trong phiên 8/11 theo phương thức khớp lệnh. Giá cổ phiếu đang trên đà rơi về vùng 4.000 đồng, mất hơn 80% so với đầu năm.
Trong thông báo của Chứng khoán Tân Việt (TVSI), công ty này muốn bán giải chấp tiếp 1,8 triệu cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch HĐQT Bất động sản Phát Đạt) kể từ ngày 8/11 đến khi đủ tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Song song đó, công ty liên quan là Phát Đạt Holdings cũng bị thông báo sẽ phải buộc bán 1,9 triệu cổ phiếu trong thời gian tương tự.
Việc bán giải chấp có thể không được thực hiện theo quyết định của TVSI mà không có thông báo ra công chúng nếu giá thị trường của tài sản đảm bảo thay đổi hoặc chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo đủ tỉ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, số lượng chứng khoán bán thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo.
Trước đó vào cuối tháng 10, Mirae Asset đã ép bán hơn 3 triệu cổ phiếu DIG của khách hàng Nguyễn Thiện Tuấn (Chủ tịch DIC Corp) và ngay sau đó thông báo có thể bán tiếp 2,8 triệu cổ phiếu DIG khác kể từ ngày 4/11.
Tương tự, Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng thông báo bán giải chấp cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Tuấn với khối lượng hơn 2,13 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện từ 7/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Giới đầu tư khi nhắc đến cổ đông lớn hay lãnh đạo doanh nghiệp thường là những người có kinh nghiệm và cơ hội tiếp cận thông tin doanh nghiệp tốt hơn, do vậy làn sóng bán tháo ở các đơn vị lớn gây nhiều lo lắng cho cổ đông.
Thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng khó tưởng tượng ra kịch bản cổ phiếu lao dốc nhanh chóng đến mức bị bán giải chấp. Một số công ty trong vài tháng trước vẫn nhận định tương đối lạc quan về triển vọng kinh doanh trước khi những biến số bất lợi xuất hiện.
Chuyên viên tư vấn chứng khoán Đỗ Hồng Hạnh nói rằng cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ khá giống nhau ở phần tâm lý, nghĩa là cũng bị lòng tham và sự sợ hãi chi phối.
Khi cổ đông lớn mua cổ phiếu và sử dụng margin (ký quỹ) quá nhiều, đến thời điểm giá cổ phiếu giảm mà dòng tiền mặt không đủ nộp cho công ty chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn thì vẫn bị bán giải chấp cổ phiếu như bình thường.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, nói rằng giới lãnh đạo thường sử dụng cổ phiếu để làm tài sản đảm bảo với một tỷ lệ rất cao và khó nghĩ đến viễn cảnh giá cổ phiếu giảm sốc trong thời gian ngắn.
Khi giá trị cổ phiếu làm tài sản đảm bảo bị giảm xuống thì có 2 cách để duy trì, đó là tăng thêm tiền để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn hoặc giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.
Ông Hưng nhận thấy nhiều nhà đầu tư thường nghĩ rằng khi giá cổ phiếu rơi xuống một mức nhất định thì sẽ có lãnh đạo doanh nghiệp vào đỡ giá và tin tưởng vào các mức hỗ trợ thần thánh như 70, 60, 50...
Tuy nhiên, đối với trường hợp lãnh đạo có thể bổ sung tài sản khác thay thế cho cổ phiếu, nhằm đưa trạng thái tài khoản về ngưỡng an toàn thì cổ phiếu vẫn có thể giảm hơn nữa mà vị thế của khoản vay vẫn đảm bảo.
"Do vậy, nhà đầu tư không nên thần thánh hóa các mức giá mà lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải giữ giá cổ phiếu. Nếu họ có tiền nộp vào thì giá cổ phiếu có thể giảm xuống hơn các dưới ngưỡng này", chuyên gia SSI khuyến cáo.